Nhân dịp kỉ niệm 95 năm ngày sinh GS Lê Văn Thiêm, BBT xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết về GS.
Lê Văn Thiêm sinh tại làng Trung Lễ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Năm 1939, ông du học tại Pháp. Ông là người Việt Nam đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ Quốc gia về Toán (1948) của nước Pháp, cũng là người Việt Nam đầu tiên trở thành giáo sư toán tại một trường đại học ở châu Âu (đại học Zurich, Thuỵ Sĩ 1949). Sau khi trở về nước, từ năm 1950, ông đã có mặt tại chiến khu Việt Bắc nhận trọng trách thành lập trường Khoa học cơ bản, trường Sư phạm cao cấp và là hiệu trưởng của hai trường này. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học Việt Nam và Tổng Biên tập đầu tiên của hai tờ báo toán học của Việt Nam (Vietnam Journal of Mathematics và Acta Mathematica Vietnamica). Hiện nay, tên ông được đặt cho giải toán quốc gia của Việt Nam. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Ba và Giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm công trình về nghiên cứu cơ bản của Toán học lý thuyết và những bài toán về ứng dụng (1960-1970).
Anh thanh niên Lê Văn Thiêm, con một gia đình thanh bạch, nhưng có truyền thống ham học, phải rời quê hương Đức Thọ, Hà Tĩnh, sống nhờ người anh là y sĩ Lê Văn Kỷ làm việc ở Quy Nhơn để tiếp tục học.
Sau khi đỗ Thành chung năm 1936, anh Lê Văn Thiêm tự học trong 3 tháng thi đậu tiếp bằng Tú tài I thay vì phải học 2 năm như mọi người. Năm học 1936-1937, Lê Văn Thiêm ghi tên vào lớp học Toán (tương đương lớp 12 chuyên ban)trường Bưởi ở Hà Nội để chuẩn bị thi Tú tài Toán học. Anh vào học chậm 3 năm, ăn mặc lại "quê mùa", nói giọng nặng trịch với những thổ âm khó nghe, khó hiểu, nhưng chỉ cần sau khi học một thời gian ngắn là cả giáo sư Toán và bạn cùng lớp thán phục thiên tư toán học của người học trò xứ Nghệ đã nổi danh từ ngày còn ngồi trên ghế Collège de Quy Nhơn. Anh đỗ Tú tài Toán học không mấy khó khăn và ghi tên vào lớp PCB là lớp dự bị Đại học Y khoa vì thời ấy, Đại học Đông Dương không đào tạo Cử nhân Toán. Năm 1938, vì đỗ cao kỳ thi tốt nghiệp PCB nên Lê Văn Thiêm được học bổng du học tại Pháp. Đến Pháp, Lê Văn Thiêm xin ghi tên vào trường đào tạo Thạc sĩ Toán học, trở lại nguyện vọng ấp ủ từ lâu. Năm 1939, phát xít Đức thổi bùng ngọn lửa chiến tranh ở châu Âu và thôn tính luôn nước Pháp. Mãi đến năm 1941, anh mới có điều kiện học bình thường. Sau một năm, anh đã đỗ Cử nhân Toán học thay vì phải học 3 năm như mọi người. Anh từ bỏ nước Pháp để sang Đức và ở đó anh đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án Toán học để nhận bằng Tiến sĩ A về Toán học. Anh có ý định học thêm để nhận học vị Tiến sĩ habil Toán học nhưng nước Đức phát xít đã thảm bại trước đồng minh vào năm 1945. Anh rời bỏ Berlin (Đức) trở về Pháp, vừa làm việc vừa kiếm sống, vừa tiếp tục học thêm để bảo vệ luận án, nhận học vị khoa học cao nhất: Tiến sĩ khoa học Toán học năm 1948. Giáo sư kể: "Sau 1945, tuy là nước thắng trận trong phe đồng minh nhưng kinh tế Pháp kiệt quệ, bánh mì phải phân phối từng trăm gam, thịt, bơ đều thiếu, anh thanh niên Nghệ Tĩnh vốn từ nhỏ quen sống thiếu thốn, mặc dù lúc đó đã có bằng Tiến sĩ A Toán học Đức và là giảng viên trẻ ở đại học nhưng hầu như hằng ngày chỉ sống bằng bánh mì phân phối và phomát cùng rau quả đạm bạc. Anh dành dụm tiền lương khiêm tốn với ý đồ sau khi bảo vệ luận án đạt học vị khoa học cao nhất sẽ làm thêm kiếm tiền đủ mua vé máy bay về nước".
Năm 1946, được tin phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đến Paris, anh Thiêm đã tự nguyện làm một số việc giúp đỡ phái đoàn và tập hợp anh em trí thức Việt kiều đi đón Hồ Chủ tịch. Được đồng chí Phạm Văn Đồng giao nhiệm vụ, anh đã sang Bỉ liên hệ giao dịch mua vũ khí để chuyển về nước. Năm 1948, anh đại diện cho Việt Nam lần đầu tiên dự Hội nghị Hoà bình thế giới tại Ba Lan. Cùng năm đó, anh là người Việt Nam đầu tiên nhận học vị Tiến sỹ Quốc gia về Toán học tại Pháp, sau đó trở thành giáo sư giảng dạy tại Trường Đại học Zurich (Thuỵ Sỹ). Cuối năm 1949, khi tài năng toán học nở rộ, vị giáo sư tiến sỹ 31 tuổi, Lê Văn Thiêm nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở về Tổ quốc, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ.
Trong suốt 47 năm (1944-1991), Giáo sư đã để lại cho đời sau trên 20 công trình khoa học có giá trị trong đó có công trình là nguồn gốc xuất phát của một số luận án tiến sĩ Toán học của Mỹ hiện nay. Giáo sư Lê Văn Thiêm có những đóng góp to lớn cho Toán học trên cả ba phương diện: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai ứng dụng.
Về nghiên cứu cơ bản, Giáo sư đã đề ra một phương pháp mới, nhờ đó giải được bài toán ngược của lý thuyết Nevanlinna (tên người khai sinh ra nó, nhà toán học Phần Lan), một trong những lý thuyết quan trọng nhất của thế kỷ XX. Về nghiên cứu ứng dụng, ông là người đầu tiên giải được tường minh bài toán thấm qua hai lớp đất bằng phương pháp sử dụng nguyên lý đối xứng của giải tích phức. Cùng với các học trò của mình, Giáo sư đã áp dụng bài toán này vào việc rửa mặn các vùng ruộng ven biển. Trên phương diện triển khai ứng dụng, Giáo sư cũng đã trực tiếp cùng với các học trò và đồng nghiệp của mình áp dụng phương pháp nổ định hướng để nạo vét kênh Nhà Lê và làm đường chiến lược trong rừng thời chiến tranh chống Mỹ. Sau này, để góp phần xây dựng đất nước, ông đã cùng các cộng sự của mình nghiên cứu xây dựng mô hình toán học và bộ chương trình giải các bài toán dòng chảy, phục vụ cho việc thiết kế và thi công công trình thuỷ điện Hoà Bình và quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long.
Giáo sư Lê Văn Thiêm còn có công rất lớn trong việc xây dựng tiềm lực và đội ngũ toán học nước nhà. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học. Giáo sư cũng là người đề xướng và chủ trì 3 hội nghị Toán học toàn quốc nhằm xác định phương hướng nghiên cứu và tập hợp lực lượng toán học trong cả nước nghiên cứu, ứng dụng toán học và tin học phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước. Trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, Giáo sư là thầy của nhiều thế hệ các nhà toán học Việt Nam và các ngành khoa học khác như hoá học, vật lý, sinh học.
Giáo sư Lê Văn Thiêm có đóng góp lớn trong hợp tác quốc tế giữa các nhà toán học Việt Nam và các nhà toán học thế giới. Ông đã đưa Hội Toán học Việt Nam tham gia vào Hội Toán học quốc tế với tư cách là thành viên chính thức, đưa Viện Toán học tham gia vào Trung tâm Toán học quốc tế Banach (Ba Lan). Nhờ mối quan hệ tốt và uy tín khoa học của Giáo sư mà nhiều nhà toán học có tên tuổi trên thế giới như Laurent Schwartz, Grotendick (Pháp), Smale và Chomsky (Mỹ)... đã sang Việt Nam và nhiệt tình giúp đỡ cộng tác với các nhà toán học Việt Nam.
Những đóng góp của Giáo sư Lê Văn Thiêm cho Toán học Việt Nam nói riêng và Toán học thế giới nói chung đã được thừa nhận rộng rãi. Và tinh thần tận tuỵ vì sự nghiệp khoa học, giáo dục và đạo đức tốt đẹp của Giáo sư luôn sống mãi trong lòng các thế hệ toán học Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
- Nhiều tác giả, Những người cùng thời, NXB Trẻ, 2002. GS. Nguyễn Cang, ấn tượng về một nhà khoa học, Tạp chí Xưa Nay, số 41B, 7/1997.
- GS.TS. Trần Đức Vân, Giáo sư Lê Văn Thiêm-Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học, Hà Nội, 9/1998.
- GS.TS. Hà Huy Khoái, Giới thiệu vắn tắt Những công hiến khoa học của Giáo sư Lê Văn Thiêm.
Theo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
- Hãy dùng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Các bạn hãy Mã hóa Code trước khi chèn vào nhận xét
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>
- Hướng dẫn gõ công thức Toán trên blog bằng MathType
Thank you