13/10/13

Giáo dục học sinh hư là vấn đề nan giải không chỉ đối với ngành giáo dục, mà ngay cả nhiều phụ huynh cũng “bó tay”, bất lực với con mình. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực trong việc cảm hóa, công việc khó khăn này cũng đã mang lại không ít những thành công.

Điều quan trọng là phải tìm “bắt trúng bệnh” và “trị đúng thuốc”. Bài viết dưới đây của nhà giáo Lê Sĩ Tứ (Hà Nội) cung cấp cho chúng ta những kinh nghiệm của một thầy giáo khi phải đối mặt với những trò “hư”.

Giáo dục HS cá biệt, thầy giáo có nghề phải biết áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, tài cảm hóa HS hư của ông thầy là "bắt trúng bệnh", từ đó chọn "thuốc" cho phù hợp. Có HS thì dùng biện pháp khoan dung, nhưng có HS khoan dung chỉ là một thứ xa xỉ, không hiệu quả. Thầy giáo cần thiết phải có những biện pháp hữu hiệu hơn. Tôi xin kể 2 câu chuyện "vui buồn của nghề dạy học", mà tôi là người trong cuộc để cùng trao đổi với các bạn đồng nghiệp xa gần.

Chuyên thứ nhất: Thành công với biện pháp khoan dung

(Trích “Nhật ký sư phạm”): Theo thời khóa biểu, tiết 3 hôm nay, mình vào dạy lớp 12B, giảng văn bài thơ “Từ ấy” của nhà thơ Tố Hữu. Mình bước vào lớp, các em đứng dậy chào. Song nhìn vào “đôi mắt” - cửa ngõ tâm hồn - của các em, mình thấy có điều gì khang khác. Do mình mặc áo quần không nghiêm chỉnh? Không phải. Mình bao giờ cũng chỉnh tề y phục khi đến trường. Mình quay lên phía bảng. Vỡ lẽ. Một dòng chữ to, đậm nét: “Đời là một vại dưa khú”.

Mình lặng người. Một chút suy nghĩ. Mình biết người viết dòng chữ chọc tức này là ai? Vì sao trực nhật không dám xóa. Đó là Năm - được bạn bè đặt cho biệt hiệu “Năm Sài Gòn” (một nhân vật cộm cán trong tiểu thuyết “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng). Năm tự coi mình là “đại ca”. HS trong lớp chẳng ai muốn dây với Năm. Nếu mình nổi nóng mắng Năm, thì “bằng chứng đâu?”, cậu ta sẽ cãi. Mình “trúng kế”, làm trò cười cho Năm. Mình hướng về phía lớp, liếc nhanh nhìn Năm. Năm tỉnh khô, tự đắc. Mình cười rất vui với cả lớp, để các em “dịu” lại, mình nói:

- Em nào có quan niệm “Đời là vại dưa khú”, thầy nghĩ, nhiều em có quan niệm khác. Thầy trò chúng ta dành ít phút cùng trao đổi về vấn đề hấp dẫn và cũng thiết thực này.

Không khí căng thẳng đã được “gỡ” khi những cánh tay giơ lên, đã “đánh thức” được ý thức trách nhiệm của một tập thể lớp.

Tan học. Năm đón mình ở cổng trường nói lời xin lỗi. Hai thầy trò vui vẻ khoác vai nhau cùng về. Cảm hóa những học trò như Năm phải bằng thái độ khoan dung độ lượng của thầy và sức mạnh của tập thể lớp biết nói “không” với hành vi thiếu “văn hóa học đường”, tạo nên môi trường lành mạnh, thân thiện, có ngay kết quả tức thì.

Chuyện thứ hai: Dùng biện pháp mạnh

Dạo đó, tôi mới vào nghề dạy học. Tôi được BGH phân công chủ nhiệm lớp 8B (bây giờ là lớp 10), được mệnh danh là lớp “quân khu”, toàn con em cán bộ quân đội đang chiến đấu ở chiên trường “B”. Hồi đó GĐ Sở Giáo dục Hà Nội đã ban hành một quyết định mà mỗi giáo viên phải nghiêm túc chấp hành: “Không để con em bộ đội bị thất học”. Vì vậy, một số học sinh hư vẫn được “nuông chiều” trong môi trường giáo dục. Lớp 8B của tôi có em HS tên là Tiến. Bố là liệt sĩ. Mẹ là thiếu tá công an. Tiến thiếu chuyên cần học tập, không bao giờ học bài, thầy gọi lên kiểm tra miệng, đã không trả lời đúng câu hỏi còn cãi chày cãi cối, nên lớp đặt cho biệt danh Tiến “chày cối”. Tôi đã tốn khá nhiều công sức, dùng mọi biện pháp tình cảm để “chinh phục”, nhưng thất bại vẫn hoàn thất bại. Nhiều lúc cũng bực, đành cố nén. Một hôm, cả lớp đang nghe cô giáo giảng bài “Định luật Niutơn” (vật lý), thì... “đoàng!”, một tiếng pháo nổ ngay sau lưng cô. Bảng gỗ vỡ tung. Tôi vào lớp nhìn “chiến trường” ngổn ngang mảnh gỗ, vữa tường mà cố nén cơn giận để tìm HS đã đặt quả pháo đó.

Bất ngờ, Tiến nhận ngay mình là thủ phạm. Tôi mời Tiến lên bảng và Tiến nhìn tôi với ánh mắt đầy thách thức. Quyết định nhanh, tôi nói với lớp: “Thầy xin lỗi các em!”, rồi cho Tiến một bạt tai rất mạnh. Cả lớp bất ngờ. Tiến bất ngờ. Tôi nói: “Đây không phải thầy đánh trò, mà thầy thay mặt cha của Tiến đã hy sinh vì độc lập tự do của đất nước và mẹ Tiến ở nhà đánh cậu em hư. Thương thì phải cho roi, cho vọt. Thầy sẽ chịu trách nhiệm trước nhà trường, trước cha mẹ em về cái tát này”. Bỗng Tiến ôm mặt khóc nức nở. Nước mắt cũng cần thiết đánh thức những mảnh sáng trong tâm hồn con người. Tiến vẫn đi học. Có điều, em lầm lì, ít nói. Tiến không chờ thi tốt nghiệp. Trước ngày lên đường, Tiến gặp tôi tâm sự vì sao em lại tình nguyện nhập ngũ trong khi em là đối tượng ưu tiên.

HS cá biệt biểu hiện nhiều dạng khác nhau nhưng dư luận xã hội lo lắng nhất hiện nay là “tệ nạn” bạo lực học đường gia tăng và phức tạp. Thống kê mới nhất của ngành giáo dục, từ đầu năm học 2009-2010 đến tháng 7.2010, trên phạm vi toàn quốc, đã có 1.598 vụ HS đánh nhau trong và ngoài trường. Chuyện HS đánh nhau, thời nào cũng có. Song, điều bất bình thường là hiện nay đánh nhau “ hội đồng”, nữ sinh làm nhục bạn ngày càng nhiều. HS khác đứng xem, không can ngăn mà còn quay clip phát tán trên mạng, coi đó là “chiến tích”. HS câu kết với thanh - thiếu niên xấu đã bỏ học ngoài xã hội, tổ chức đánh nhau “dằn mặt” đối thủ rất dã man. Nguyên nhân “xuống cấp” đạo đức của HS, SV có nhiều: Ít được học kỹ năng sống; tác động xấu của mặt trái cơ chế thị trường; trò chơi điện tử mang tính bạo lực; gia đình thiếu quan tâm chăm sóc..., kể cả sức ép của dư luận tạo một áp lực lớn cho các thầy - cô giáo, khiến thầy cô “ngại” nghiêm khắc với trò, nhà trường né tránh kỷ luật.

Quá trình giáo dục nhân cách cho học trò rất cần tình thương yêu. Và đương nhiên chẳng thầy - cô giáo và bậc phụ huynh nào lại muốn ném con em mình ra ngoài xã hội nhiều cạm bẫy. Tuy nhiên, như các cụ ta từng dạy: “Đòn đau nhớ đời”. Các vụ HS đánh nhau nếu có biểu hiện vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm hình sự, hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, dù phạm tội lúc dưới 16 tuổi, nhưng đã đủ 14 tuổi. Phạm tội ở mức chưa thể truy cứu trách nhiệm hình sự, hay đưa vào các trường giáo dưỡng, nên chăng phải có những biện pháp bổ sung như giam giữ có thời hạn để giáo dục hay phạt làm lao động công ích... Hình thức kỷ luật phù hợp để cho chính các em phải biết chịu trách nhiệm và trả giá về hành vi thiếu văn hóa của mình.

Lê Sĩ Tứ
Nguồn: THPT Chu Văn An - Đồng Nai

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

- Hãy dùng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Các bạn hãy Mã hóa Code trước khi chèn vào nhận xét
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>
- Hướng dẫn gõ công thức Toán trên blog bằng MathType
Thank you