Chiều 31-8, tại buổi họp báo nhân dịp khai giảng năm học mới, đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định năm học 2011-2012 là năm học đầu tiên phát huy sức mạnh của toàn ngành thực hiện việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Học sinh Trường tiểu học Dương Minh Châu (TP.HCM) trong ngày tựu trường năm học 2011-2012 - Ảnh: MINH ĐỨC |
Trả lời Tuổi Trẻ tại cuộc họp báo về tiến trình thực hiện việc giảm tải, ông Vũ Đình Chuẩn - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) - cho biết hiện Bộ GD-ĐT đang gấp rút hoàn thiện tài liệu hướng dẫn điều chỉnh để chính thức ban hành trước ngày khai trường.
Theo Bộ GD-ĐT, những nội dung được điều chỉnh, tinh giản là kiến thức cùng có ở nhiều môn học (như công nghệ, vật lý hay có trong môn giáo dục công dân nhưng lại được đưa vào hoạt động ngoài giờ lên lớp), giảm các nội dung trùng lặp, giảm tải những bài tập, yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp với trình độ nhận thức và tâm lý học sinh, điều chỉnh các nội dung dạy học không phù hợp với đặc điểm riêng của các vùng miền. Ngoài ra sẽ sắp xếp lại những bài học chưa hợp lý.
Không phải mua lại sách giáo khoa
Năm học 2011-2012 có 3.756.000 học sinh lứa tuổi mầm non, trong đó có 556.000 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, 3.200.000 trẻ trong độ tuổi mẫu giáo. Có 15.140.000 học sinh phổ thông, tăng 288.000 học sinh so với năm học trước, bao gồm 7.350.000 học sinh tiểu học (tăng 301.300 học sinh), 4.960.000 học sinh THCS (giảm 8.300 học sinh), 2.830.000 học sinh THPT (giảm 5.000 học sinh). Có 734.000 học sinh trung cấp chuyên nghiệp và trên 2.400.000 sinh viên đại học, cao đẳng. |
Tài liệu về giảm tải sẽ được chuyển cho các sở GD-ĐT để tổ chức phát đến từng tay giáo viên đứng lớp. Trên cơ sở phân phối chương trình khung, các sở
GD-ĐT có trách nhiệm điều chỉnh phân phối chương trình chi tiết để phù hợp tình hình mới. Ông Chuẩn cho biết tài liệu giảm tải rất rõ ràng, cụ thể nên không cần thiết tổ chức tập huấn. Giáo viên có thể thực hiện được ngay sau ngày khai trường.
Nói thêm về chủ trương giảm tải trong năm học này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Việc rà soát và điều chỉnh chương trình - sách giáo khoa sẽ là công việc làm hằng năm nhằm tinh giản, phù hợp hơn với điều kiện và yêu cầu giáo dục, tiến gần đến mục tiêu đổi mới là đánh giá năng lực người học. Việc này nằm trong lộ trình thiết kế chương trình - sách giáo khoa mới sau này”.
Ông Hiển cho biết trước mắt, trong lần giảm tải này, Bộ GD-ĐT chỉ chú trọng việc giảm tải để đảm bảo kiến thức kỹ năng tối thiểu nên nội dung điều chỉnh sẽ chỉ áp dụng với sách giáo khoa chương trình chuẩn. Giảm tải cũng sẽ tạo điều kiện về mặt thời gian để các trường, giáo viên có điều kiện thuận lợi hơn trong việc đổi mới phương pháp dạy học - một trong những nội dung được Bộ GD-ĐT coi là nhiệm vụ quan trọng của năm học này.
Hai vấn đề liên quan chủ trương giảm tải mà dư luận quan tâm đã được Bộ GD-ĐT một lần nữa khẳng định. Đó là thầy cô giáo và học sinh sẽ không phải mua sách giáo khoa khác khi thực hiện giảm tải và những nội dung đã được lược bỏ (không dạy) hoặc chuyển sang phần đọc thêm, tham khảo sẽ không đưa vào nội dung để kiểm tra, đánh giá học sinh.
Phân cấp mạnh hơn cho các địa phương
Năm học 2011-2012 cũng sẽ là năm có những đổi mới trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là khẳng định của Bộ GD-ĐT. Về điều này, ông Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - cho biết: “Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đã thực hiện việc rà soát tất cả các khâu để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu trong việc tổ chức kỳ thi, đồng thời đề xuất những điều chỉnh cần thiết cho kỳ thi năm tới trên tinh thần phân cấp mạnh hơn cho các địa phương. Bộ GD-ĐT đã quyết định giao cho giám đốc sở GD-ĐT các tỉnh thành chủ động tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 để phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng, miền”.
Như vậy, giải pháp “thi cụm” đã được áp dụng mấy năm qua có thể sẽ vẫn áp dụng trong phạm vi tỉnh thành, nhưng cũng có thể không áp dụng nữa tùy theo quy định của từng tỉnh thành. Bộ
GD-ĐT chỉ đề nghị các sở GD-ĐT chủ động duy trì việc chấm chéo trong phạm vi từng địa phương để đảm bảo tính khách quan (không chấm chéo giữa các tỉnh thành). Việc giao sự chủ động nhiều hơn cho các địa phương trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng đồng nghĩa với việc yêu cầu cao hơn trách nhiệm của người đứng đầu ngành GD-ĐT các tỉnh thành.
Sẽ kiểm tra tiền trường
Trả lời báo chí về vấn đề chống lạm thu tiền trường dịp đầu năm học mới, ông Bùi Hồng Quang, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính, cho biết Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức các đợt kiểm tra riêng về vấn đề thu chi trong các trường để phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm khắc những nơi có sai phạm.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi UBND các tỉnh thành trong việc phối hợp chấn chỉnh tình trạng lạm thu tiền trường. Theo Bộ GD-ĐT, ngoài những khoản thu bắt buộc theo Luật giáo dục (học phí, lệ phí tuyển sinh), các khoản thu theo thỏa thuận với cha mẹ học sinh phải đảm bảo nguyên tắc “thu bù chi” và được cha mẹ học sinh tự nguyện đóng góp, không tùy tiện lập quỹ ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa tự nguyện. Việc thu, quản lý, sử dụng các khoản thu tự nguyện và khoản thu do các tổ chức, cá nhân tài trợ phải được công khai, minh bạch.
Trao đổi thêm về điều này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói: “Năm học 2011-2012, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo việc rà soát tất cả khoản thu trong các trường để phân loại ra những khoản đề nghị các trường không được thu của cha mẹ học sinh, kể cả dưới hình thức tự nguyện. Trước mắt, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các địa phương chỉ đạo và kiểm soát các trường để không thu tiền hỗ trợ dạy và học, không thu tiền của cha mẹ học sinh để sử dụng vào việc khen thưởng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường”.
TRỊNH VĨNH HÀ
Nguồn: tuoitre.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
- Hãy dùng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Các bạn hãy Mã hóa Code trước khi chèn vào nhận xét
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>
- Hướng dẫn gõ công thức Toán trên blog bằng MathType
Thank you