Chiều ngày 31/8, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo chuyên đề khai giảng năm học mới 2011-2012. Những vấn đề được xã hội quan tâm như giảm tải, chấn chỉnh lạm thu và đặc biệt những thông tin mới nhất về kì thi tốt nghiệp 2011-2012… đã được lãnh đạo Bộ chia sẻ.
Đề án 70.000 tỷ tiếp tục được triển khai
Tại cuộc họp báo, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT cho biết, sau khi Bộ GD-ĐT đăng tải dự thảo về hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cấp THPT, đã có hơn 100 ý kiến đóng góp của tập thể, cá nhân đã gửi về phòng chuyên môn. Phần lớn các ý kiến đều đồng thuận với chủ trương giảm tải của Bộ GD-ĐT. Có một số góp ý về vấn đề “kỹ thuật”, diễn đạt… Hiện nay, Vụ Giáo dục trung học đang tổng hợp các góp ý để trình lãnh đạo Bộ sau đó tiếp tục rà soát lần cuối cùng trước khi chính thức ban hành công văn hướng dẫn giảm tải vào ngày 3/9 tới.
Quang cảnh buổi họp báo.
Cũng theo ông Chuẩn, hướng dẫn giảm tải của Bộ sẽ rất cụ thể, rõ ràng và dễ nghiên cứu và dễ triển khai thực hiện. Bộ GD-ĐT sẽ gửi nội dung giảm tải này cho lãnh đạo các Sở, sau đó Sở sẽ có trách nhiệm phát tài liệu này cho từng giáo viên. Ngay sau khi bắt đầu năm học, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra việc triển khai giảm tải, công việc kiểm tra này cũng sẽ trở thành hoạt động thường xuyên.
Liên quan đến vấn đề giảm tải, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định đây là một giải pháp để đảm bảo chất lượng giáo dục phù hợp hơn, tinh giản hơn, cơ bản hơn hướng tới đánh giá năng lực người học, cách vận dụng được kiến thức, kĩ năng và các giáo viên có điều kiện nâng cao phương pháp dạy học. Quá trình này phải tiếp tục hằng năm và có lộ trình. Việc tiếp thu ý kiến về việc giảm tải Bộ GD-ĐT đưa ra hai quan điểm, một là tiếp thu để khắc phúc ngay. Hai là, những ý kiến chưa thể thực hiện ngay được thì phải chờ dịp khác, thậm chí là đợi chương trình SGK mới thì mới thực hiện được.
Thứ trưởng Hiển cũng cho biết, đề án đổi mới chương trình, nội dung SGK với kinh phí 70.000 tỷ đồng đang tiếp tục được thực hiện, nghiên cứu và hoàn thiện. Đề án này sẽ được ban hành sau khi Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020.
“Chúng ta có dự kiến chi 70.000 tỷ đồng nhưng không phải chỉ để cho viết sách mà là cho toàn bộ quá trình. Nước ta hiện có khoảng 30.000 trường phổ thông, như vậy bình quân mỗi trường được hơn 2 tỷ đồng để thực hiện rất nhiều khâu thì không phải nhiều” - Thứ trưởng Hiển chia sẻ.
Thi tốt nghiệp 2011-2012: Phân cấp mạnh cho địa phương
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: “Bộ sẽ tiến hành kiểm tra rà soát lại các khâu trong kì thi tốt nghiệp 2010-2011 để xác định điểm mạnh và yếu. Qua đó sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể để tiến đến việc tổ chức kì thi gọn nhẹ nhưng đảm bảo an toàn và nghiêm túc”.
Ông Nghĩa cũng cho hay, trong năm học này sẽ yêu cầu các Bộ ban ngành địa phương phối hợp với ngành giáo dục trong các khâu tổ chức kì thi. Hoàn thiện mối quan hệ giữa ban chỉ đạo thi các trường phổ thông với ban chỉ đạo thi cấp tỉnh cũng như với ban chỉ đạo thi Trung ương. Bên cạnh đó sẽ tăng cường khả năng giám sát giữa các ban chỉ đạo thi.
Trong kì thi tốt nghiệp năm 2011-2012, Bộ GD-ĐT tiếp tục thực hiện phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho giám đốc các Sở GD-ĐT trong khâu tổ chức thi. Giao cho giám đốc Sở GD-ĐT đưa ra cách thức tổ chức thi phù hợp với địa phương của mình, bên cạnh Sở cũng được phép chủ động tổ chức chấm thi nhưng phải đảm bảo yêu cầu chấm chéo bài thi tự luận giữa các khu vực của tỉnh.
Như vậy với kì thi tốt nghiệp THPT năm học 2011-2012 hình thức thi cụm, chấm theo liên tỉnh sẽ bị xóa bỏ mà chỉ còn thu hẹp lại trong từng địa phương.
Sẵn sàng cho năm học mới
Bộ GD-ĐT cho biết, để chuẩn bị cho năm học 2011-2012, công tác bồi dưỡng hè cho giáo viên, CBQL các trường tiểu học, THCS, THPT và TTGDTX được chuẩn bị chu đáo. Đã có 1.200 báo cáo viên cốt cán về triển khai Chuẩn Hiệu trưởng trường Mầm non và Chuẩn Hiệu trưởng trường Tiểu học. Bồi dưỡng báo cáo viên cốt cán Mầm non. Bồi dưỡng 1.860 học viên cốt cán cấp Bộ với các chuyên đề.
Tập huấn 600 cán bộ cốt cán cấp THPT về tổ trưởng chuyên môn; bồi dưỡng cho 430 giáo viên chủ nhiệm lớp cốt cán của các tỉnh/ thành phố; bồi dưỡng cho 530 cán bộ cốt cán các tỉnh/thành phố về nội dung giáo dục hòa nhập. Tổ chức bồi dưỡng về các nội dung chuyên môn sâu cho 2.000 giáo viên cốt cán các trường chuyên trên toàn quốc.
Ở các địa phương, 100% đội ngũ giáo viên các Sở GD-ĐT đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng hè 2011, các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, công tác chủ nhiệm, năng lực quản lí cho cán bộ quản lí, giáo viên và nhân viên các cấp.
Theo ước tính, năm học 2011-2012 toàn ngành GD-ĐT sẽ có 3.756.000 trẻ mầm non đến trường (trong đó nhà trẻ 556.000 cháu, mẫu giáo 3.200.000 cháu). HS PT có 15.140.000 em (tăng 288.000 em so với năm học 2010-2011), trong đó tiểu học 7.350.000 em (tăng 301.300 em), THCS 4.960.000 em (giảm 8.300 em), THPT 2.830.000 em (giảm 5.000 em so với năm học 2010-2011).
Trong các ngày đầu tựu trường, các cơ sở giáo dục đã có kế hoạch tổ chức cho HS học nội quy nhà trường, Luật Giao thông đường bộ và có nhiều hoạt động sinh hoạt tập thể trong tuần đầu năm học mới nhất là ở những lớp đầu cấp học.
Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng nguồn thu của các trường rất hạn chế nên nếu phụ huynh tự nguyện giúp nhà trường thì đó là điều rất hoan nghênh. Tuy nhiên, ông Hiển cũng khẳng định sự tự nguyện ở đây phải là tự nguyện thật sự chứ không phải bắt buộc hoặc “tự nguyện trong ngoặc kép”. Các khoản thu của phụ huynh tuyệt đối không sử dụng để hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên. Thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục ra soát để đưa ra thêm các danh mục không được phép sử dụng khoản thu của phụ huynh.
Nguyễn Hùng
Nguồn: Dân Trí
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
- Hãy dùng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Các bạn hãy Mã hóa Code trước khi chèn vào nhận xét
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>
- Hướng dẫn gõ công thức Toán trên blog bằng MathType
Thank you