4/12/13

Bạn là giáo viên toán, có con gái thể trạng bình thường. Đến tuổi lớp 1, con của mọi người được cho đi học trước, con bạn thì không. Bạn nghĩ con đủ sức học vì mới chỉ sơ mấy chữ cái con thuộc lòng ngay.

Con vô lớp 1 vài hôm, bạn bị cô giáo than phiền: “Cháu tiếp thu chậm quá”. Cuối năm con bạn có kết quả học tập trung bình, trong khi cả lớp đều khá giỏi.

Tiếp các năm con học lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5, bạn một mình “bẻ gậy chống trời” không cho con đi học thêm. Bạn và con đánh vật với chương trình tiểu học, con bạn vẫn học lực trung bình. Mỗi khi họp phụ huynh, bạn luôn bị than phiền, rất bực mình. Bạn thấy con dù không xuất sắc nhưng vẫn hơn hoặc bằng về sự tư duy, sự nhanh nhẹn so với các cháu cùng trang lứa. Thế nhưng chỉ con bạn là trung bình, phần lớn đều khá giỏi, không có yếu kém.

Tiếp các năm con học lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 9, bạn kiêm gia sư trong gia đình. Bạn tiếp tục chống học thêm, khuyến khích con: “Phải bằng thực lực con ạ, ba sẽ đồng hành cùng con”. Khi học cùng con, bạn thấy nó tiếp thu tốt, còn giỏi hơn bạn ngày xưa nhưng rồi con bạn vẫn trung bình. Nó cứ mãi “trung bình” nên đâm nhút nhát.

Bên cạnh nhà là trường “điểm” THPT nhưng con bạn không vô được. Hằng ngày nó phải đạp xe rất xa đi học trường “thường”. Bạn không cho con học thêm, bù lại bạn thành thầy giáo tổng hợp các bộ môn cho con. Thật tình, nếu con bạn xuất chúng tình hình đã khác. Nó chỉ bình thường như bao đứa trẻ bình thường siêng năng, chăm học. Nếu bạn không chống học thêm, có thể con bạn đã có học lực khá giỏi.

Bạn nghi ngờ khả năng gia sư của mình. Chẳng lẽ không cho con học thêm là sai, bạn sai còn thiên hạ đúng ư? Bạn gồng lên, bảo: “Không, con tôi trung bình nhưng là trung bình thực chất”.

Con bạn đậu tốt nghiệp THPT loại khá cùng hai bạn khác trong lớp, bạn vui mừng chảy nước mắt. Bạn bảo con: “Thấy chưa, con học thực chất thì phải khác”. Vì con không “khá giỏi”, bạn tư vấn con thi sư phạm. Nó đậu sư phạm ngành toán. Con bạn tự tin lên sau bao năm rụt rè.

Vào đại học, con bạn lại học tập trung bình. Nó nói có đứa không học hành gì vẫn thi qua môn với điểm cao ngất ngưởng, toàn tín chỉ khá giỏi. Hết bốn năm đại học, con bạn ra trường với tấm bằng trung bình. Vị giám đốc sở giáo dục - đào tạo nói: “Hiện giáo viên đã dư, nếu có nhận thêm, chúng tôi chỉ nhận sinh viên tốt nghiệp loại giỏi hoặc có bằng thạc sĩ”.

Bạn dồn tiền cho con học thạc sĩ. Nó gầy gò đi vì học. Lần này con bạn lấy bằng thạc sĩ loại ưu, ưu thực chất. Con bạn được nhận về một trường THCS. Con giống cha mà, cũng chuộng những gì thực chất. Với chương trình toán THCS có là gì với một thạc sĩ hạng ưu. Bạn tin con bạn sẽ là một giáo viên tuyệt vời. Thế nhưng con bạn chỉ “hoàn thành nhiệm vụ” vì “tội” đi dạy không có giáo án.

“Giáo án phải in ra giấy để kiểm tra, chứ bài giảng trên PowerPoint ai mà biết được” - một hiệu phó trả lời như thế. In thì in, khó gì. Nhưng đợi năm sau vì năm này xét thi đua xong rồi. Thế đấy, giáo viên hoàn thành nhiệm vụ trong trường chỉ có ba người trên tám chục giáo viên tiên tiến và xuất sắc (?!).

Con bạn không dạy thêm, theo ý bạn, dù học trò năn nỉ: “Cô ơi, dạy thêm cho tụi em”. Con bạn bảo: “Các em chú ý nghe cô giảng, làm bài tập cô cho, không làm được thì cô sửa, thế là đủ không cần phải học thêm”. Thật chưng hửng, tất cả học sinh những lớp con bạn dạy toán rủ nhau đi học thêm ở thầy cô khác.

Đến nước này, bạn tâm sự: “Không biết con tôi thế nào chứ tôi sợ nền giáo dục thiếu thực chất này rồi. Anh nói xem, nếu cứ mãi không thực chất thì thành ra cái gì?”.

Ôi, “một câu hỏi lớn không lời đáp”...

HẠ CƯỜNG
Theo Tuổi trẻ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

- Hãy dùng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Các bạn hãy Mã hóa Code trước khi chèn vào nhận xét
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>
- Hướng dẫn gõ công thức Toán trên blog bằng MathType
Thank you