Có lẽ đối với tôi cũng như nhiều phụ huynh khác thì thời cắp sách đến trường, hình ảnh thầy cô hiệu trưởng khá nhạt nhòa bởi họ chỉ xuất hiện vào các buổi chào cờ thứ hai đầu tuần với một tác phong nghiêm nghị, khó gần. Thế nhưng cô hiệu trưởng của con tôi lại khác...
Con gái tôi may mắn được học Trường mẫu giáo W (TP Lubbock, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ) do sự giới thiệu của một người bạn với cô hiệu trưởng. Cô hiệu trưởng cũng chính là người chăm chút con gái tôi trong thời gian hòa nhập với môi trường mới. Điều khiến tôi ngạc nhiên là có lúc lao công của trường nghỉ làm, chưa tuyển được nhân viên mới, cô hiệu trưởng cũng chính là người chùi dọn các lớp sau khi tan học. Hay lúc biết gia đình tôi khó khăn khi mới sang, cô còn gửi cho con gái tôi một thẻ đi siêu thị trị giá 50 usd để chia sẻ gánh nặng cùng gia đình...
"Điều khiến tôi ngạc nhiên là có lúc lao công của trường nghỉ làm, chưa tuyển được nhân viên mới, cô hiệu trưởng cũng chính là người chùi dọn các lớp sau khi tan học"
Qua cô hiệu trưởng, tôi hiểu hơn về việc suy nghĩ tự lập, cái tôi được hình thành từ nhỏ của lứa tuổi này ở Mỹ để có thể định hướng cho con gái mình. Trong lớp trò có quyền phát biểu những gì mình nghĩ mà không bị đánh giá đúng sai, hay tại buổi trình diễn văn nghệ toàn trường, bạn hát to, bạn hát sai, có bạn chẳng hát lại nằm dài trên sân khấu, có bạn khóc toáng đòi mẹ khiến mọi người cùng cười và chẳng ai phán xét gì cả. Tất cả đều cùng tạo nên một môi trường giáo dục không có sự ràng buộc rập khuôn, tôn trọng sở thích và ý kiến cá nhân để tạo thành một tập thể. Điều đó có lẽ cũng giúp giáo viên thấy mới mẻ hơn trong chính lớp học của mình, mỗi năm học mới như đọc một cuốn sách mới mà không thấy nhàm chán vì người mang lại nội dung chính là sự năng động, sự sáng tạo không theo khuôn mẫu của chính học sinh mình.
Từ đó tôi mới hiểu được vì sao cô hiệu trưởng có thể nhớ tên hàng trăm học sinh “nhí” của mình mỗi niên khóa bởi công việc đầu ngày là “tiếp xúc cử tri” ngồi trong văn phòng để hầu hết các cháu đi ngang qua vẫy tay chào, và công việc cuối ngày là đón các cháu vào “give a hug” (ôm hôn thắm thiết) để chào tạm biệt cô hiệu trưởng. Đó cũng là niềm hạnh phúc của cô hiệu trưởng khi được ôm hôn và chúc tốt lành cho học sinh của mình trước khi kết thúc mỗi ngày học trên lớp.
Khi chuyển sang Trường tiểu học RW, ấn tượng tiếp theo của tôi đối với cô hiệu trưởng mới chính là công việc đầu tiên trong ngày của cô là đứng ở cổng trường chào buổi sáng với tất cả phụ huynh và học sinh mà cô gặp. Một cái vẫy tay, vuốt tóc nhẹ nhàng để thể hiện sự quan tâm của chính cô đối với học sinh. Cô còn nhớ cả tên con gái tôi bởi cháu là học sinh VN duy nhất trong hơn 500 học sinh của cả trường.
Có một buổi sáng trời đầy tuyết, hai cha con đưa nhau đến trường, con gái chỉ cho tôi xem cảnh cô hiệu trưởng đang đứng cào tuyết giải phóng mặt đường dẫn vào cổng trường. Cũng có một nhân viên bảo vệ làm việc đó nhưng nếu một người làm thì chắc chắn thời gian sẽ không kịp đón các cháu đến trường. Mỗi học sinh đến, cô đều dừng tay, mỉm cười chào, hướng dẫn các cháu đi vào đường khô tránh ngã vì trơn trượt rồi lại tiếp tục xúc tuyết miệt mài.
Hình ảnh này khiến tôi nhớ lại Người thầy đầu tiên, một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Tringis Aitmatov, sáng tác năm 1962, cuốn sách gối đầu giường của thế hệ chúng tôi cách đây 25 năm. Hình ảnh thầy Đuysen lại hiện về đâu đó trong trí nhớ. Còn con gái tôi, có lẽ cháu chưa đọc được tác phẩm này nhưng cũng đã cảm nhận được một hình ảnh thiêng liêng của “người thầy đầu tiên” do chính các cô hiệu trưởng mang lại.
PHAN QUỐC VINH (thành phố Lubbock, Texas, Hoa Kỳ)
Theo Tuổi trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
- Hãy dùng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Các bạn hãy Mã hóa Code trước khi chèn vào nhận xét
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>
- Hướng dẫn gõ công thức Toán trên blog bằng MathType
Thank you