Mỗi bài thi “Thầy tôi” là một nét chấm phá về cuộc đời của con người. Đó là người thầy vượt qua hoàn cảnh éo le để đến với bục giảng, là người thầy dang cánh tay bao dung đón nhận trò, bỏ qua lỗi lầm của trò và gửi gắm niềm tin trò sẽ trở thành người tốt...
Một câu nói, một hành động của người thầy có thể trở thành bước ngoặt khiến trò có những đổi thay lớn lao. Những xúc cảm yêu thương từ người thầy đã gieo vào lòng trò ấn tượng sâu sắc khiến trò không thể nào quên dù bao năm đã trôi qua... Và ban giám khảo “Thầy tôi” cũng không nén nổi xúc động khi đọc những dòng tri ân dạt dào cảm xúc ấy. Chúng tôi tiếp tục giới thiệu ý kiến của các thành viên ban giám khảo cuộc thi.
* Cô Trương Thị Việt Thủy (nguyên phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, TP.HCM):
Khơi dòng cảm xúc về người thầy
Mỗi câu chuyện là một tấm lòng của người thầy - người cha, người mẹ, người “bạn lớn” - đối với nhiều thế hệ học sinh. Tôi rất xúc động với câu chuyện về những người học trò đã vượt qua khúc quanh của cuộc đời mình, luôn hướng về người thầy cũ với sự kính trọng, thấu hiểu, yêu thương và lòng biết ơn sâu nặng. Một cụ già 93 tuổi với dòng chữ viết tay run run nhưng vẫn muốn cầm bút viết về thầy giáo của mình. Một em học sinh 11 tuổi thật chân thành, tha thiết trong bức thư gửi cô giáo.
Bài học dạy người đôi khi chỉ là một lời nói động viên dạy bảo nhẹ nhàng, một hành động nâng đỡ quan tâm sâu sắc, một cử chỉ ân cần chăm chút, một việc làm chia sẻ, giúp đỡ nhưng đã trở thành dấu ấn sâu đậm và là hành trang quý giá để những người học trò bước vào đời. Những câu chuyện trong cuộc thi đã giúp xã hội có cái nhìn đúng đắn về người thầy, khắc ghi truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã tổ chức cuộc thi “Thầy tôi” để khơi nguồn cho những dòng cảm xúc viết về người thầy.
Cảm ơn tác giả của các bài viết đã lưu giữ hình ảnh đẹp về những người thầy đã và đang thầm lặng trên bục giảng thực hiện sứ mệnh trồng người bằng tấm lòng yêu thương và tinh thần trách nhiệm đối với học sinh.
Cô Hoàng Thị Thu Hiền - Ảnh: Như Hùng
* Cô Hoàng Thị Thu Hiền (giáo viên văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM):
Bao nhiêu câu chuyện, bấy nhiêu tấm lòng
Báo Tuổi Trẻ đã tổ chức một cuộc thi rất có ý nghĩa. Đây là một nghĩa cử đẹp, một bó hoa lòng lộng lẫy nhất dâng tặng thầy cô ngày 20-11. Chúng tôi đã được đọc những câu chuyện có thật, rất xúc động về tình thầy trò. Bài học rút ra từ những câu chuyện đó chính là cái tâm của người thầy. Chính cái tâm ấy làm cho hình ảnh người thầy tỏa sáng lung linh và khắc ghi mãi trong lòng học sinh qua bao thế hệ.
Thầy cô giáo mỗi người một hoàn cảnh nhưng tất cả đều rất yêu nghề và hết lòng vì học sinh thân yêu của mình. Mỗi người thầy có một phương pháp khác nhau, biểu hiện sự quan tâm tình yêu thương một cách khác nhau: người thì dạy trò bằng sự nghiêm khắc như “má Thiệt” (bài “Nhất má Thiệt”), người thì bao năm trời tận tụy đến tận bố mẹ nhà trai, đi tìm bố mẹ nhà gái, tìm đủ mọi cách cho học trò của mình được đến trường làm bệ phóng “nâng cánh ước mơ “cho học trò của mình đi tới tương lai như thầy giáo Đỗ Quốc Nhuận (bài “Người nâng cánh ước mơ tôi”)... Bao nhiêu câu chuyện là bấy nhiêu tấm lòng đầy xúc động.
Những câu chuyện đẹp về tình thầy trò ấy sẽ giúp tâm hồn chúng ta được lắng lại, thanh lọc hơn trong cuộc sống đua chen hiện nay.
Thạc sĩ Trần Tiến Thành - Ảnh: Như Hùng
* Thạc sĩ Trần Tiến Thành (chuyên viên môn ngữ văn - Sở GD-ĐT TP.HCM):
Sự vận động của khái niệm “người thầy”
33 bài thi vào chung khảo là trải nghiệm của những con người phải trải qua sóng gió của cuộc đời. Cảm xúc của họ đã trải qua thử thách của thời gian nên có sức lay động sâu xa. Cuộc thi đã chứng minh rằng giáo dục là trăm năm. Sức ảnh hưởng của người thầy đối với trò có ý nghĩa rất lâu dài. Và trong những khoảnh khắc, người thầy có thể làm thay đổi cuộc đời trò.
Chữ “thầy” trong cuộc thi thật rộng: không chỉ là người trực tiếp đứng trên bục giảng, thầy có thể là người bạn, người cha, người mẹ, đồng nghiệp hay học trò cũ. Một số bài thi cho thấy quan niệm giáo dục mới mẻ của người thầy như ông thầy khuyên trò “không nên học nữa” (bài “Thầy bảo con không nên học nữa”) rất mới lạ và đặc biệt.
Cuộc thi đã cho giới trẻ hiện nay nhìn thấy hình ảnh người thầy xưa và nay, truyền thống và hiện đại. Cuộc thi cho thấy sự vận động của khái niệm “người thầy” qua thời gian. Dù người thầy ở giai đoạn, bối cảnh nào họ vẫn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho trò. Hi vọng rằng thế hệ học sinh sau sẽ hiểu hơn, có những nhìn nhận đúng hơn về người thầy qua cuộc thi đầy ý nghĩa nhân văn này.
L.TRANG thực hiện
Theo Tuổi trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
- Hãy dùng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Các bạn hãy Mã hóa Code trước khi chèn vào nhận xét
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>
- Hướng dẫn gõ công thức Toán trên blog bằng MathType
Thank you