4/1/14

Khác với mọi ngày, dù tôi đã thực hiện các thao tác dạy học nhuần nhuyễn nhưng lớp tôi chủ nhiệm hôm ấy, các em có vẻ lo ra thế nào.

Giao-duc

Get Flash to see this player

Rất nhanh, tôi quan sát chung một vòng cả lớp rồi dừng lại ngay em H. - lớp trưởng của lớp tôi.

"Những gì người thầy đã hứa,thầy phải giữ lời. Bình tĩnh, độ lượng trước cái sai của học sinh, giúp các em sửa sai mới là yếu tố quyết định trong giáo dục hơn là áp dụng kỷ luật các em"

H. cũng không tự nhiên, năng động như mọi ngày, đôi mắt em không dám nhìn thẳng vào tôi. Tôi tiếp tục bài giảng, không gian như chỉ có tiếng ngòi bút chạy trên giấy mà thôi. Đột nhiên tôi dừng lời giảng, chân bước nhanh xuống chỗ H.. H. giật mình, lấy tay che vội trang giấy đang viết dở. Tôi yêu cầu em nộp lại trang giấy ngay. Mất mấy giây sau em mới dám thực hiện đúng lời thầy nói. Nhìn sơ qua, tôi vừa giận vừa buồn cười vì đó chỉ là lời yêu cầu phổ biến càng nhiều càng tốt một nội dung đại ý là nếu tin tưởng vào sự huyền bí của thế giới tâm linh, các em sẽ thi đỗ cả hai kỳ thi sắp đến. Tôi tiếp tục giờ dạy và dặn H. ở lại sau tiết học cuối để tìm hiểu thêm. Đúng hẹn, H. đợi tôi tại lớp. Không tỏ ra nghiêm trọng, tôi nhẹ nhàng hỏi:

- Em học tốt sao lại tin vào chuyện chỉ cần chép nhiều bản, gửi cho nhiều người sẽ thi đỗ?

H. hồn nhiên trả lời tôi:

- Dạ! Em mong cả lớp mình đều thi đỗ ạ!

Tôi hỏi tiếp:

- Làm sao em có tờ rơi này và em hiểu nội dung ra sao?

- Dạ! Trong một lần đi photo tài liệu học tập, chẳng biết ai đã để vào. Em thấy lạ nhưng nội dung chỉ khuyên học sinh sống lương thiện, làm điều tốt, chăm chỉ và chép nội dung này lại cho nhiều bạn, mỗi bạn lại chép cho nhiều bạn khác đọc... Tất cả sẽ thi đỗ ngay.

- Vậy đó là lý do em không tập trung trong giờ học à?

Chép nguyên văn, gửi nhiều người

Ai trong đời học sinh của mình không từng nhận được một lời đề nghị kiểu như hãy chép nguyên đoạn văn nào đó gửi đến càng nhiều người càng tốt. Làm đúng bạn sẽ đạt thành công trong học tập, gia đình hạnh phúc, sức khỏe dồi dào... Không làm theo lời đề nghị, bạn sẽ gặp nhiều kết quả xấu không lường hết được. Người lớn đôi khi còn nhận thức “có kiêng có lành” huống gì học sinh nên tôi không ngạc nhiên khi lớp tôi chủ nhiệm xuất hiện hiện tượng trên.

- Em xin lỗi thầy nhưng em không có tiền để photo 50 bản gửi cho bạn bè. Em mới chép gửi được khoảng mười bạn trong lớp thì bị thầy phát hiện.

- À! Tôi hiểu ra vấn đề chính là ở chỗ các em cần photo càng nhiều càng tốt, chứ học tốt thì làm gì chẳng đỗ.

Tôi cho em về sau khi em hứa dừng ngay việc chép bản văn đó. Tôi cũng hứa không tiết lộ tên em với mọi người cũng như áp dụng các hình thức kỷ luật gì cả, xem đây chỉ là một sai sót cần rút kinh nghiệm mà thôi. Hoạt động của lớp trở lại bình thường, các em cũng được tôi nhắc nhở không nên mất thời gian vào chuyện chép hoặc photo lời đề nghị gửi cho các bạn mà dành thời gian cho học tập. Các bản chép tay hay photo các em cũng nộp lại cho tôi đầy đủ. Tôi ghi chép vào sổ chủ nhiệm và cách xử lý của tôi, không quên lưu ý xem hiện tượng đã thật sự chấm dứt chưa trong những tuần sau đó.

Mấy ngày sau trong đợt kiểm tra hồ sơ của giáo viên, nội dung này được ban giám hiệu ghi nhận. Ban giám hiệu nhà trường mời tôi lên trao đổi về sự việc này. Cách nhìn nhận vấn đề của ban giám hiệu là cần trừng phạt ngay học sinh nào đã phát tán tài liệu và cổ động các bạn khác tham gia. Tôi trình bày cách giải quyết của mình và không nhận được sự đồng ý của ban giám hiệu. Sự việc căng thẳng đến mức ban giám hiệu đòi báo cáo sự việc lên cấp trên và lưu ý rằng tôi - giáo viên chủ nhiệm lớp - là người bao che cho sai phạm của học sinh. Tôi phải kiên trì thuyết phục ban giám hiệu rằng đây chỉ là sai sót do nhận thức của các em. Học sinh có hành động không đúng đã nhận thức được cái sai của bản thân. Em này vốn là một học sinh giỏi, hoạt động đoàn thể tích cực, nhiều năm liền được khen thưởng, lại là một cán bộ lớp gương mẫu. Em đã dũng cảm nhận sai sót và tiếp tục điều hành hoạt động của lớp tốt. Tôi, với vai trò thầy chủ nhiệm, đã giúp em thay đổi nhận thức ngay sau khi sự việc xảy ra, đã hứa trước lớp là không kỷ luật, không công khai tên họ các em vì mức độ sai phạm không lớn, đã ngăn chặn từ đầu. Nếu tiết lộ tên họ các em, dù ban giám hiệu không đề ra mức kỷ luật, các em sẽ không còn tin tưởng vào thầy chủ nhiệm cũng như các thầy cô khác nữa. Nếu ban giám hiệu thấy cần thiết phải có hành động kiên quyết với vi phạm này thì xin cứ áp dụng vào tôi. Những gì đã hứa với học sinh tôi không thể làm trái...

Cuối cùng ban giám hiệu quyết định tổ chức thực nghiệm ngay tại lớp xem tôi có thực hiện biện pháp giáo dục uốn nắn học sinh và tìm hiểu thái độ của các em ra sao. May mắn là tất cả học sinh đều cho biết thầy đã phân tích đúng sai của sự việc, xây dựng động cơ, phương pháp học tập khoa học. Cả lớp đã nâng cao nhận thức và nộp lại đầy đủ các bản chép tay đã nhận được. Thầy thông báo sẽ tiêu hủy những gì các em đã chép và sẽ phạt nặng học sinh nào tiếp tục vi phạm.

Cuối cùng tôi đã thuyết phục được ban giám hiệu giải quyết vấn đề ở mức nhắc nhở, rút kinh nghiệm chung trong toàn hội đồng, không để xảy ra ở các lớp khác. Với vai trò người thầy chủ nhiệm, tôi tự hào giữ được lòng tin nơi các em, giúp các em nhìn thấy khuyết điểm và quan trọng hơn là sửa chữa khuyết điểm của bản thân. Những ngày sau đó cho tới kết thúc năm học, học sinh của tôi luôn hoàn thành tốt những quy định của nhà trường.

Gặp em nhưng không bao giờ tôi nhắc lại chuyện xưa. Có một điều tôi chưa kể đó là có lúc tôi cũng hoang mang suýt tiết lộ tên em vì có đồng nghiệp đã nhận xét: đừng ngu mà bảo vệ học trò, hứa nhưng đừng giữ lời, cứ đổ hết cho ban giám hiệu thôi!

NGUYỄN HỮU NHÂN (Đồng Tháp)
Theo tuoitre.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

- Hãy dùng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Các bạn hãy Mã hóa Code trước khi chèn vào nhận xét
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>
- Hướng dẫn gõ công thức Toán trên blog bằng MathType
Thank you