18/1/14

Một chương trình ca nhạc và thắp nến tri ân những tử sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã ngã xuống khi bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa cách đây 40 năm đã bị hủy vào phút chót.

Trong bức 'thư cáo lỗi' đăng trên trang mạng của 'Huyện Hoàng Sa, Thành phố Đà Nẵng,' ông Đặng Công Ngữ, chủ tịch huyện Hoàng Sa,  viết: 'do công tác chuẩn bị chưa được chu đáo, Chương trình ca nhạc hát về biển đảo quê hương và Lễ thắp nến tri ân Hướng về Hoàng Sa không thể diễn ra theo kế hoạch. Huyện Hoàng Sa xin chân thành cáo lỗi và xin được lượng thứ.'

Sân khấu và các hoạt động chuẩn bị cho đêm “Thắp nến tri ân” ở công
viên Biển Đông, Đà Nẵng đã chuẩn bị xong đến 99% nhưng giờ
chót, hoạt động này đột nhiên bị hủy.
(Hình: Trang facebook của facebooker Lê Đức Dục) 

Theo nội dung bức thư, dự tính, 'chương trình ca nhạc hát về biển đảo quê hương và Lễ thắp nến tri ân Hướng về Hoàng Sa vào lúc 19 giờ ngày 18/01/2014 tại Công viên Biển Đông, thành phố Đà Nẵng.'

Và rằng, 'trong chương trình này, UBND huyện Hoàng Sa đã nhân được sự hỗ trợ, phối hợp, giúp đỡ rất tâm huyết và trách nhiệm của  các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan cũng như nhận được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân.'

Trước đó, Facebooker Lê Đức Dục – một phóng viên của tờ Tuổi Trẻ thường trú tại miền Trung - tiết lộ trên trang cá nhân trong hệ thống facebook: “Chương trình đã hoàn thành cơ bản 99% và rồi... ‘lệnh ở trên’ stop!”.

Facebooker đồng thời là nhà báo này làm một bài thơ ngắn, với tựa là “Xin tưởng niệm một chương trình tưởng niệm”, như sau:

Xin tưởng niệm một chương trình tưởng niệm
những ngọn nến sẽ tắt, không phải vì gió biển (!)
Luồng hơi lạnh từ phương Bắc tràn đến
cơn rét run
nối luồng hơi thổi tắt những nến đèn
chuẩn bị thắp lên
tưởng vọng hồn chiến sĩ

Xin tưởng niệm
một chương trình tưởng niệm
những ngọn nến dù sẽ tắt trên bãi biển
nhưng làm sao thổi tắt
ánh nến trong tim
khi người Việt không quên
những người lính của mình
máu nhuốm đỏ
biển Hoàng Sa bốn mươi năm trước

“Ngày mai về lại Hoàng Sa”
Ngày mai là bao giờ?
chưa thể biết!
nhưng ta phải biết
dù những ngọn nến đã bị thổi tắt không thương xót!
anh và tôi và chúng ta vẫn cứ thắp lên
một ngọn đèn vĩnh cửu trong tim
nhắc Hoàng Sa xương thịt Tổ quốc mình
còn đau trong tay giặc!
nhắc Hoàng Sa xương thịt nước non mình
còn đau trong tay giặc!
nhắc Hoàng Sa xương thịt mẹ Việt mình
còn đau trong tay giặc!

Bức thư 'cáo lỗi' của chủ tịch huyện Hoàng Sa, Đặng Công Ngữ.
(Nguồn hình: hoangsa.danang.gov.vn)

Ngoài chương trình thắp nến, chính quyền thành phố Đà Nẵng – nơi mà về mặt hành chính, được xác định là có “huyện đảo Hoàng Sa” đã quyết định tổ chức một loạt hoạt động, nhằm khẳng định “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”: Triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa – chủ quyền của Việt Nam”, Hội thảo quốc tế về những bằng chứng lịch sử xác định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa,  “Thắp nến tri ân”.

Tuy nhiên một số hoạt động trong chuỗi hoạt động này đã diễn ra không suôn sẻ như kế hoạch lúc đầu. Chẳng hạn cuộc triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa – chủ quyền của Việt Nam” không trưng bày, giới thiệu về trận tử chiến bảo vệ Hoàng Sa tháng 1 năm 1974, hay buổi “thắp nên tri ân” bị hủy vào giờ chót. Tất cả những thay đổi, thiếu sót đó đã bị cả công chúng lẫn báo giới, kể cả cán bộ, đảng viên chỉ trích kịch liệt.

Bình luận về việc cuộc triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa – chủ quyền của Việt Nam” thiếu mảng giới thiệu về trận tử chiến bảo vệ Hoàng Sa, tờ Dân Trí viết: Đã nói đến lịch sử thì phải rõ ràng, khách quan, đầy đủ. Cho nên, khi nói về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa thì không thể thiếu trận hải chiến của hải quân quân đội Việt Nam Cộng hòa. 40 năm trước, ngày 19/1/1974, Trung Quốc tấn công cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa. Những người lính của Việt Nam Cộng hòa đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ lãnh thổ của tổ tiên và đã hy sinh”.

“Tư liệu, hình ảnh về các chiến hạm Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Nhật Tảo, Lý Thường Kiệt… tham gia bảo vệ Hoàng Sa, tên tuổi các binh lính, sĩ quan tử trận trong trận hải chiến này còn đó. Dù họ khoác màu áo nào nhưng họ đã chiến đấu và hy sinh để bảo vệ đất nước, bảo vệ giang sơn của cha ông để lại thì họ cũng là những dũng sĩ”.

Một cựu trung tướng quân đội CSVN tên là Nguyễn Quốc Thước nói với tờ Thanh Niên: “Lên án chế độ Việt Nam Cộng hòa là chuyện khác, nhưng tôn vinh tinh thần yêu nước của người lính Việt Nam Cộng hòa chống ngoại xâm là cần thiết, hai điều này hoàn toàn khác nhau”.

Hồi cuối tháng 12, tại cuộc gặp đại diện Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội, Thủ tướng CSVN từng bày tỏ sự đồng tình về việc đưa những sự thật liên quan đến Hoàng Sa vào chương trình giáo dục trung học khi biên soạn lại sách giáo khoa và tổ chức kỷ niệm 35 năm ngày Trung Quốc xua quân sang Việt Nam nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học” (1979 – 2014), 40 năm ngày Trung Quốc cưỡng đoạt Hoàng Sa trong tay người Việt (1974 – 2014). Tuy nhiên ngay sau đó, báo giới Việt Nam đã đồng loạt đục bỏ các tin, bài tường thuật về cuộc gặp này. (G.Đ)

Nguồn bài viết ...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

- Hãy dùng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Các bạn hãy Mã hóa Code trước khi chèn vào nhận xét
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>
- Hướng dẫn gõ công thức Toán trên blog bằng MathType
Thank you