30/4/14

Thầy ơi, con xin lỗi

Cấp 3, tôi có một người thầy dạy Lý, tôi xin lỗi, xa trường đã lâu, tên thầy thực sự tôi không thể nhớ. Nhưng dáng vẻ của thầy, buổi học hôm đó lẫn sự hối hận, mãi mãi tôi không bao giờ quên.

Thầy nhỏ con, và hiền lắm, hiền đến mức bị chúng tôi bắt nạt, không tôn trọng và vô lễ, thầy biết, tôi chắc là thầy biết, vậy mà thầy vẫn dạy, vẫn cười, vẫn cho chúng tôi gỡ điểm, vẫn để chúng tôi bắt nạt. Và sự hỗn láo của tôi lên đến đỉnh điểm vào buổi học hôm đó, những buổi học cuối cùng đời học sinh, cũng là những buổi dạy cuối trước khi thầy nghỉ hưu, khi thầy đang viết bảng, tôi và vài đứa bạn đã ném phấn vào thầy, và coi đó là trò tiêu khiển, mua vui cho cả lớp, và lần đó, nước mắt thầy đã rơi, lần đầu tiên thầy đã mắng.

Lý do để ghét thầy cô? Có hàng trăm hàng ngàn lý do. Khi trưởng thành hơn tôi nhận ra, tất cả chỉ là sự giả dối, tự huyễn hoặc bản thân hèn nhát và trốn chạy. Không. Tất cả là ở mình, do mình. Học tốt hay dở, không phải lỗi ở thầy cô. Nhưng tiếc rằng một thời gian khá lâu, tôi đã đổ lỗi cho những con người vĩ đại và nghĩ mình luôn là nạn nhân cần được thương hại. Để giờ đây khi nhận ra, đã quá trễ để gặp thầy và nói: “Em xin lỗi.”

Hãy bỏ qua những vấn nạn mà chỉ là hệ luỵ của hàng loạt bước đi sai lầm của cả một hệ thống lẫn lãnh đạo trong nhiều thập kỷ, một lần, hãy nhìn lại chính mình. Chúng ta, ai cũng đã, đang và sẽ có cơ hội thuyết trình trước đám đông. Và khi đó, bạn sẽ hiểu cảm giác của thầy cô trên bục giảng. Cái cảm giác sợ hãi khi thấy dưới hàng ghế khán giả đang có một bóng hình thân quen, với nụ cười nhếch mép đang chế giễu và chê bai bạn, người hiện tại, đang đứng trên bục và nói. Thật đáng sợ, phải không? Rất áp lực và căng thẳng. Cái cảm giác nóikhông ai nghe thật sự đâu dễ nuốt? Có người bị chê bai một lần mà đâm ra sợ hãi cả đời, vậy mà thầy cô, đã vì ai sợ mà bỏ chúng ta?

Chúng ta chê thầy cô không đủ trình độ lẫn kiến thức? Đúng, so với nước ngoài thì là vậy, nhưng bạn à, đem ao so với biển thì có khập khiễng quá không? Nhìn đi nhìn lại, ta nên thấy một điều chính thầy cô cũng chỉ được học đến thế, nên kiến thức cô thầy truyền cho ta cũng chỉ có vậy. Nếu muốn hơn, thầy cô đều biết phải học nữa, học tiếp và học nhiều nữa, nhưng nếu vậy, ai cho các thầy cô tiền ăn, tiền tiêu, tiền học? Ai gánh giùm thầy cô nỗi lo toan cơm áo gạo tiền? Một ngày có 24 giờ thôi, mình học về, ba mẹ nấu cơm nấu nước, chỉ việc ăn rồi học, còn thầy cô? Dạy về lại lo toan công việc gia đình, con cái, rồi soạn giáo án, chấm bài, làm báo cáo, lo các hoạt động chung của trường, việc nội ngoại và xã hội. Còn đâu thời gian mà thở chứ đừng nói thảnh thơi đầu óc để học thêm.

Mỗi lần nước ta cải cách giáo dục, thay đổi sách giáo khoa, ảnh hưởng đến mỗi chúng ta ư? Không, chính các thầy các cô cũng lo sốt vó, áp lực phải thay đổi hoàn toàn chương trình, nâng cao trình độ để kịp truyền đạt kiến thức cho học sinh, rồi phải thoả mãn bệnh thành tích mãn tính kinh niên của xã hội, rồi áp lực từ sếp và ngay từ chính đồng nghiệp đồng môn, tiền môn, hậu môn, áp lực từ già trẻ lớn bé, các bậc phụ huynh và ngay chính trong gia đình họ tộc. Với rất nhiều gánh nặng, trách nhiệm dồn lên vai, vậy mà thầy cô vẫn gánh.

Kể sơ sơ như vậy thì liệu chúng ta có xứng đáng để chê trách những người thầy không? Tất nhiên đừng để vài con sâu làm rầu nồi canh, còn chuyện cái tâm nghề nghiệp, nói thật, tâm ai cũng có, nhưng giữ được tâm, thì ít nhất cũng phải có lương đủ cho một mâm cơm tử tế. Bạn học được khi đói không? Tôi nghĩ thầy cô cũng vậy.

Càng lớn, tôi càng thấm thía những lời dạy của ông cha: “Không thầy đố mày làm nên” “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy…”

Tôi là kẻ vô ơn, và giờ nhận ra, muốn sửa sai, nói lời xin lỗi, đã quá muộn màng. Vậy nên, xin đừng như tôi. Ở đời, thật may mắn khi có một người thầy.

Mọi chuyện đều ở mình quyết định, do mình lựa chọn, không ai có thể bắt bạn làm gì nếu bạn không đồng ý. Mất rất nhiều thời gian để tôi nhận ra điều đó, nên bạn à, đừng hoang phí thời gian như tôi.

Baka
Theo triethocduongpho.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

- Hãy dùng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Các bạn hãy Mã hóa Code trước khi chèn vào nhận xét
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>
- Hướng dẫn gõ công thức Toán trên blog bằng MathType
Thank you