10/10/11

Không ít phụ huynh phải loay hoay khổ sở vì con chán học. Một trong những nguyên nhân làm cho trẻ ở bậc mẫu giáo và tiểu học thường gặp phải, đó là từ cô giáo. Nhiều đứa trẻ không muốn đi học chỉ vì sợ cô.

Chưa bao giờ thấy cô cười!

Bé T.K. hiện đang học lớp năm. Mỗi lần nhớ lại những gì xảy ra khi mới đi học, bé đều có cảm giác buồn bã. Lúc ba tuổi, bé bị cô giáo nhốt vào nhà vệ sinh chỉ vì ăn hay bị ói. Và đáng sợ hơn là khi bé ói ra tô cháo, cô bắt ăn lại phần thức ăn đó. Với cháu, đến trường là một chuyện nặng nề và khủng khiếp. Cháu đã nhiều lần khóc không chịu đến trường và thậm chí có giai đoạn rơi vào trầm cảm.

Cháu Kim Oanh (Q.3, TP.HCM) đến Trung tâm Tư vấn tâm lý – giáo dục – gia đình và thanh thiếu niên cùng mẹ. Mẹ cháu vừa kể vừa khóc, cháu đã nghỉ học năm ngày qua. Cho dù gia đình hết động viên đến dọa nạt, cháu cũng không chịu đến trường. Khi chuyên gia tâm lý trao đổi cùng cháu, cháu buồn bã chia sẻ: “Con không thích học cô vì cô buồn quá. Năm ngoái, cô Mai cho bọn con hát, đóng kịch và chơi trong giờ học, con rất thích. Nhưng năm nay cô giáo này cứ bắt chúng con viết bài hoài. Đặc biệt, con chưa bao giờ thấy cô… cười. Cô đến lớp rất hay thở dài và cứ mân mê tà áo. Con cảm giác cô con rất buồn. Con sợ làm cô buồn thêm”.

Những đứa trẻ “nhạy cảm” thường gặp khó khăn với cô giáo. Đối với các cháu, cô là người mẹ thứ hai. Nhưng không phải cô giáo nào cũng nhẹ nhàng và tận tình với trẻ. Trong mắt trẻ thơ, cô giáo phải là một người hiền từ và đôn hậu. Cô luôn là thần tượng của một đứa trẻ. Tâm trạng của cô giáo ảnh hưởng rất nhiều đến các em học sinh. Thời gian ở trường là quãng thời gian vàng ngọc cô trò tiếp xúc với nhau, có khi còn nhiều hơn với bố mẹ. Có thể vô tình, những buồn vui của cô giáo, học sinh đã cảm nhận được qua lời nói và hành động, cử chỉ của cô. Nhiều cô giáo nóng nảy, quát tháo, dọa nạt, có khi còn chửi mắng học sinh. Và như vậy, trẻ cảm thấy bị xúc phạm.

Phụ huynh cần chia sẻ với cô

Trẻ sợ cô, có lúc không phải vì cô dữ dằn, hay la mắng mà đôi khi, cô buồn bã, ủ rũ cũng làm cho học sinh cảm thấy mình có lỗi. Những đứa trẻ luôn tìm kiếm trong ánh mắt cô một sự trìu mến, gần gũi và thân thiện. Chúng muốn cô giáo cười tươi khi chúng ngoan và học tốt. Nụ cười, ánh mắt của cô sẽ giúp trẻ cảm nhận được sự ấm áp của tình thầy trò. Và cô giáo còn là chỗ dựa tinh thần cho trẻ.

Nhưng không phải lúc nào cô giáo cũng có thể làm được điều đó. Ở trường, cô có nhiều áp lực của công việc. Về nhà, cô cũng là con, là vợ, là mẹ, và không phải vai diễn nào cũng thuận lợi, nhẹ nhàng. Khi cô giáo phải chịu áp lực từ những vai trò của mình trong gia đình và xã hội, cô dễ bị stress. Không phải cô giáo nào cũng có thể kiềm chế và điều chỉnh được cảm xúc của mình. Tình trạng sức khỏe tinh thần của cô giáo là một phần rất quan trọng để cô có thể giữ được sự cân bằng trong cuộc sống và công việc. Phụ huynh cần giúp cô xây dựng hình ảnh tốt đẹp của bản thân đối với những học trò bé nhỏ của mình.

Với bé Kim Oanh, chúng tôi đã phân tích cho cháu hiểu: “Cô giáo buồn bởi nhiều lý do, và biết đâu cô đang lo sợ vì con mình không muốn đi học. Cũng như mẹ con thôi, khi con không đi học thì đến cơ quan làm sao mẹ vui cười được”. Chúng tôi đã thống nhất với bé, bé đến trường bây giờ không phải đơn giản là vì bố mẹ, vì mình, mà quan trọng hơn tất cả là cô giáo đang cần một sự chia sẻ và hỗ trợ của bé. Khi một đứa trẻ không đến trường, bố mẹ, người thân và cô giáo đều lo lắng. Nhất là cô giáo, nếu học sinh nói rằng vì cô mà nó không muốn đến trường thì đó là lời cảnh báo cần được xem xét nghiêm túc. Bé Oanh đã chịu đến lớp, chúng tôi cùng tìm gặp cô giáo của cháu. Một điều bất ngờ là cô giáo đã òa khóc khi có người chia sẻ. Lần đầu tiên bé thấy cô cười, dù nước mắt vẫn ướt đẫm trên má.

Trẻ yêu cô giáo, trẻ sẽ thích đến trường. Cô biết tạo cân bằng giữa cuộc sống và công việc, biết chia sẻ buồn vui, chắc chắn học sinh sẽ vui hơn mỗi khi tới trường. Cô là những người dạy cho trẻ những kiến thức căn bản, là chỗ dựa tinh thần cho trẻ. Khi trẻ tâm sự những lo lắng của mình về cô giáo, phụ huynh hãy bình tĩnh để cùng trẻ tìm ra nguyên nhân. Và cố gắng gặp cô giáo sớm để trao đổi với cô về những vấn đề của trẻ, cải thiện mối quan hệ giữa cô và trò nhằm tạo sự thân thiện hơn. Trẻ yêu cô, yêu trường thì trẻ sẽ không bỏ học.

Theo PNO

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

- Hãy dùng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Các bạn hãy Mã hóa Code trước khi chèn vào nhận xét
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>
- Hướng dẫn gõ công thức Toán trên blog bằng MathType
Thank you