4/8/11

Lê Phùng Đức, sinh ngày 16/9/1986. Ngày 21/1/2004, khi chưa học hết lớp 12 thì Đức đột nhiên qua đời. Kì lạ là 8 tháng sau ngày mất, gia đình Đức dồn dập nhận được những giấy báo Đức thi đỗ đại học và trung cấp chuyên nghiệp. Phải chăng âm hồn Đức đã thi vào đại học?

Nằm cách cầu Đuống khoảng 2 km về phía đông, khu tái định cư Quán Tình (dành cho mấy trăm hộ dân phải di dời để mở rộng đường Ngô Gia Tự, Long Biên, Hà Nội) trông như một công trường ngổn ngang với đủ các loại vật liệu xây dựng. Con đường từ bờ đê dẫn vào bụi mù mịt. Những cơn lốc cùng gió xoáy cuốn theo đủ thứ cát bụi khiến cho người ta phải che mặt, nhắm mắt.
Tôi đang loay hoay không biết hỏi ai, vì các nhà đều đóng cửa im ỉm. Bỗng một người đàn ông trung niên, mặc bộ quần áo trông như là bảo vệ dân phố rẽ đám lau lách bước ra hỏi: “Cậu tìm nhà ai?”. “Bác cho hỏi đường vào nhà ông Lê Mạnh Cường…”. Theo lối người đàn ông chỉ, tôi đến nhà ông Cường.
Tôi gõ cửa, một người phụ nữ trung niên thấp bé, dáng phúc hậu ra mở. Bà là Phùng Thị Minh Hạnh, vợ ông Cường. Tôi tỏ ý muốn xin phép gia đình lên thắp nén hương cho cháu Đức và tìm hiểu một chút về câu chuyện của gia đình, bà Hạnh ngẩn người: “Lạ thật, đêm qua tôi vừa nằm mơ thấy Đức “về”, nó bảo chiều mai mẹ đừng đi đâu, nhà có khách…”
Ngồi giữa gian phòng khách còn ngổn ngang đủ thứ sơn, bả matit… bà Hạnh kể: Tôi sinh cháu Lê Phùng Đức ngày 16/9/1986. Đức là con thứ 2, trên còn có anh trai sinh năm 1984. Sau khi sinh Đức, mặc dù bà Hạnh có rất nhiều sữa nhưng không hiểu sao cậu bé nhất quyết không chịu bú. Cứ kề miệng Đức vào vú mẹ là cậu chàng lại khóc ngằn ngặt. Vậy là bà Hạnh đành phải pha nước đường, nước gạo nuôi bộ.

Ông Lê Mạnh Cường – bố của “người âm Lê Phùng Đức”
(Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô)

Là giáo viên, chồng bà là nhân viên Nhà máy xe lửa Gia Lâm nên cuộc sống gia đình bà Hạnh cũng vất vả lam lũ như nhiều gia đình thời ấy. Vẫn theo lời bà Hạnh thì Đức dễ ăn, dễ nuôi. Song để có thể kiếm đủ ngày hai bữa rau cháo, thì cô giáo viên Trường THCS Giang Biên vẫn phải xoay đủ nghề. Khi thì nhận vải về may vá, lúc lại chăn nuôi lợn gà. Thậm chí có thời phải đi bán bánh mỳ rong…
Bù lại công cha nghĩa mẹ, Đức hay ăn chóng lớn. Lớp 12 mà đã cao 1m72, nặng gần 60kg. Đặc biệt, từ nhỏ Đức đã tỏ ra rất thông minh sáng láng. Học rất khá, lại có khiếu văn thơ, Đức luôn là “hạt giống” trong những hoạt động ngoại khóa của trường, lớp. Đã thế cậu lại nấu ăn rất cừ, nhiều việc trong nhà như sơn sửa cánh cửa, đánh véc-ni bàn ghế… Đức đều làm rất khéo tay.
Mặc dù gia đình mấy thế hệ phải sống trong một căn hộ nhỏ trên phố Ngô Gia Tự, nhưng bà Hạnh rất vui vì trong ấm ngoài êm, các con ngoan ngoãn học giỏi. Bỗng đâu một tai biến ập đến, khiến cho cuộc sống gia đình xảy ra biến cố.
Câu chuyện bắt nguồn từ chiều ngày 21/1/2004 (tức ngày 21 tháng 12 năm Quý Mùi) “định mệnh”, Đức đang học lớp 12, Trường THPT Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) đi học về thì kêu mệt. Sờ trán con thấy nóng, bà Hạnh vội bảo con lên giường đánh cảm. Chẳng ngờ Đức cứ lịm dần, lịm dần…
Đám tang Đức, bạn bè cùng trường lớp, bà con khối phố xếp thành một hàng dài đau buồn đưa tiền chàng thanh niên vắn số…
Gần bảy tháng sau khi con trai mất, khi mà bà Hạnh chưa nguôi nỗi nhớ thương cậu con trai thì bỗng xảy ra một sự việc mà theo bà thì "kỳ lạ nhất từ thuở cha sinh mẹ đẻ”.
Bà thuật lại: Một buổi chiều đầu tháng 8/2004, bà Hạnh vừa đi dạy học ở trường về. Nhà chẳng có ai, chồng thì đi làm, con trai lớn đi học, bà mở cửa định dắt xe vào thì thấy một phong bì thư nằm trên sàn nhà. Chắc người đưa thư không thấy chủ nhà nên nhét qua khe cửa. Nhìn bì thư, bà đã rất ngạc nhiên: “Đức nhà mình đã mất cả nửa năm rồi mà vẫn còn ai gửi thư cho nó? Chắc là bạn ở xa chưa biết tin”. Nhưng sau khi xé phong bì, đọc thư thì bà giật mình. Đó là giấy gọi nhập học của trường Đại học Đông Đô (hoặc trường Thăng Long – Vì thời gian đã quá lâu, nên bà Hạnh không nhớ chính xác).
Là giáo viên lâu năm, nên bà Hạnh biết rất rõ các thủ tục đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng. Hơn nữa, cách đó 2 năm anh trai của Đức cũng đã từng thi đại học, nên bà lại càng chắc chắn hơn nữa. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh nộp hồ sơ dự thi vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp sớm nhất cũng phải từ tháng 3 trở đi. Trong khi đó, tháng 1 con trai bà đã mất rồi, thì làm sao có thể nộp hồ sơ dự thi (?).
Bà Hạnh mang tờ giấy gọi nhập học cho gia đình, bạn bè người thân xem, thì ai cũng lắc đầu: “Không thể hiểu nổi”. Một số người đặt nghi vấn: “ Hay là có bạn bè nào tốt bụng (hoặc giả người yêu của Đức), đã làm hồ sơ nộp cho Đức?”. Giả thuyết này không thuyết phục được bà Hạnh. Bởi vì, nếu quả thật có ai đó làm giúp hồ sơ thi cho Đức thì, thì họ phải biết rõ về con trai của bà. Nó đã mất rồi, làm sao thi đại học được mà làm hồ sơ?
Khi mà mối nghi vấn này chưa được giải tỏa, thì tuần sau bà Hạnh lại thêm một lần ngạc nhiên, khi mà một trường đại học khác lại gửi thư đến nhà gọi Đức nhập học. Cho đến tháng 9-2004, tiếp tục một trường trung học chuyên nghiệp gửi giấy mời nhập học đến nhà bà Hạnh. Mở ngăn tủ lôi ra một tập giấy gói kỹ trong túi nilon, bà giở một tờ giấy ố vàng ra cho chúng tôi xem.
Bì thư và nội dung giấy mời ghi rõ: “Trường Trung học Công Nghệ và Quản Trị Đông Đô (số 6 Phạm Ngọc Thạch, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) báo cho em Lê Phùng Đức (sinh ngày 16/9/1986, địa chỉ 620 Ngô Gia Tự, Gia Lâm, Hà Nội) đã đủ tiêu chuẩn đăng ký nhập học vào trường ngành Tin học hoặc Tài chính Kế toán. Thời gian nhập học là từ 22 đến 30/9/2004”. Giấy ghi ngày 21-9-2004.
Tôi đề nghị được xem những tờ giấy mời vào trường đại học mà gia đình đã nhận được. Song thật tiếc, bà Hạnh cho biết, sau khi đã cho toàn thể nội ngoại chứng kiến những giấy mời kia, thì ông ngoại của Đức bảo: “Cháu nó vốn ham học, nay xuống dưới suối vàng chắc vẫn thèm học lắm, phải “hóa” ngay hai tờ giấy mời đại học để cho nó tiếp tục”. Vợ chồng bà Hạnh nghe bố nói thế nên đã đốt đi mất. Chỉ riêng tờ giấy gọi của trường Trung cấp Công nghệ và Quản trị Đông Đô thì được giữ lại, bởi: “Cháu nó đã học đại học rồi, thì cần gì phải thi trung cấp nữa, giữ lại làm kỉ niệm”.
Trở lại vấn đề, tại sao Lê Phùng Đức đã mất trước thời gian nộp hồ sơ đăng ký thi đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp mà sau lại vẫn có nhiều giấy gọi nhập học gửi về, chúng tôi đã dành nhiều công sức để thu thập và điều tra.
“Bác có thử lý giải tại sao lại có những chuyện lạ như thế không” – Tôi hỏi. Trầm ngâm một lúc, bà Hạnh mới kể. Sau khi Đức mất một thời gian, thì có chuyện lạ xảy ra. Chồng bà, ông Cường luôn có thói quen tắt điện thoại di động trước khi đi ngủ vì ông không muốn bị ai quấy rầy giấc ngủ của mình. Vậy mà một đêm nọ, hai ông bà đang ngủ ngon thì bỗng nhiên có tiếng chuông điện thoại reo vang. Ông cáu: “Đứa dở người nào lại gọi vào lúc này, mà sao hôm nay mình lại quên tắt điện thoại được nhỉ”. Nhưng khi sờ vào điện thoại, thì ông thấy nó vẫn đang trong tình trạng… tắt nguồn. Nghĩ mình mơ ngủ, ông lại quẳng điện thoại rồi đặt lưng ngủ tiếp. Thế nhưng, lần thứ hai chuông reo, rồi lần thứ ba thì hai ông bà ngẩn người: “Có khi con nó về” (?). Theo chúng tôi, có lẽ ông bà Hạnh quá thương nhớ con nên mới có chuyện như vậy?
Chúng tôi đã có một cuộc hành trình lật ngược trở lại những đầu mối đã gửi giấy nhập học cho Đức. Đầu tiên chúng tôi tạm không xét chuyện Đức có hai cái giấy mời nhập học vào đại học, vì gia đình đã “hóa” thành tro, và hiện tại không còn ai nhớ chính xác các thông tin về 2 trường này nữa. Tấm giấy gọi nhập học của Trường trung học Công nghệ và Quản trị Đông Đô là tấm phao cuối cùng để chúng tôi có thể tìm ra sự thật.
Chiều ngày 29/7/2011, chúng tôi có buổi làm việc với đại diện trường trung học Công nghệ và Quản trị Đông Đô. Chị Đỗ Kim Cương cho biết, nhân viên văn phòng của nhà trường cho chúng tôi biết. Tờ giấy mời nhập học đấy đúng là của trường. Tuy nhiên nhà trường hoàn toàn không lưu hồ sơ của em Lê Phùng Đức (sinh ngày 19-6-1986, địa chỉ 620 Ngô Gia Tự, Gia Lâm, Hà Nội).
Việc gia đình em Đức nhận được giấy mời nhập học xảy ra vào năm 2004, mà năm 2005 chị Cương mới về Trường Đông Đô công tác, do đó chị Cương phỏng đoán: “Có thể nhân viên tuyển sinh của Trường Đông Đô có được danh sách lớp 12 của trường THPT Yên Viên. Căn cứ vào đó, cán bộ của trường Đông Đô đã gửi giấy mời nhập học về cho gia đình ông Cường. Vì theo quy đinh, học sinh chỉ cần tốt nghiệp lớp 12 là đủ điều kiện nhập học vào trường dạy nghề”.
Như vậy, sự việc gia đình em Đức nhận đươc giấy báo nhập học của Trường Trung học Công nghệ và Quản trị Đông Đô theo cách lí giải của chị Đỗ Kim Cương đã rõ.

(Theo An ninh thế giới)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

- Hãy dùng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Các bạn hãy Mã hóa Code trước khi chèn vào nhận xét
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>
- Hướng dẫn gõ công thức Toán trên blog bằng MathType
Thank you