6/7/11

Từ trước năm 2000, tôi đã nghe và được biết sắp có một chương trình dạy học mới sẽ được áp dụng vẫn gọi là chương trình giáo dục năm 2000. Lúc ấy tôi vui lắm và cứ nghĩ nước Nhật năm 1959 thu nhập bình quân đầu người của họ là 190 USD, còn Việt Nam ta là 120 USD/người. Chỉ sau 37 năm nghĩa là năm 1996 thu nhập bình quân đầu người của họ là trên 36.000 USD/người và được biết nền kinh tế của họ phát triển được là phần lớn dựa vào một nền giáo dục tiên tiến và họ biết đầu tư cho giáo dục. Tôi hi vọng chương trình giáo dục này không thể giúp Việt Nam phát triển như Nhật thì cũng mong bằng nửa phần của họ. Vậy là tôi mong chờ chương trình mới đó nhanh đến !

     Và rồi chương trình đó cũng được áp dụng từ năm học 2001 -2002. Lúc ấy đã có nhiều ý kiến ngược xuôi về chương trình và tôi cũng may mắn được đi tiếp thu chương trình thay sách ngoài BGD môn Thể dục lớp 4 và lớp 5 để về truyền đạt lại cho giáo viên huyện Ứng Hòa và Phú Xuyên. Đồng thời tôi cũng là một học viên đi tiếp thu các môn khác  tại huyện để về trường thực hành. Kèm theo đổi mới về chương trình thì cũng có nhiều phương pháp dạy học được coi như là tích cực cũng đã được giới thiệu. Tôi và những giáo viên đi tiếp thu phương pháp dạy chương trình mới đều được xem những bài giảng trên băng hình mà chúng tôi coi đó như bài dạy "mẫu". 

images

     Vậy là tôi về trường và nhận lớp với niềm hăm hở mặc dù cũng chưa đủ thời gian để chiêm nghiệm các nội dung và phương pháp dạy học đó. Thời gian đầu, mỗi khi phải chuẩn bị bài dự giờ hay thao giảng, tôi và đồng nghiệp lại mượn băng hình về xem và chỉ việc nhái lại, ai ý kiến gì chỉ cần nhẹ nhàng nói "Bài dạy mẫu của Bộ dạy như vậy mà !". Thấy băng hình mẫu khi dạy trẻ lớp 1 dấu "ngã" đã cho trẻ liên tưởng tới cái đòn gánh, mặc dù thấy hơi gờn gợn về kiểu so sánh này nhưng tôi cũng vẫn làm theo mà không dám làm khác bởi nghĩ nôi dung đã được dạy thí điểm, qua bao lần chỉnh sửa, băng hình giảng mẫu có bao cố vấn thiết kế chắc là mình chưa đủ tầm hiểu biết. Xem kĩ lại mới biết cái đòn gánh cũng cong cong nhưng có cong giống dấu ngã đâu nhỉ. May mà các em học sinh lớp 1 chưa biết cãi hoặc không dám cãi lại thầy. Vậy là sự hoài nghi đã có mầm mống ngay trong buổi đầu tiên dạy học sinh lớp 1.

     Trò chơi cũng là một phương pháp dạy học được coi như nhóm phương pháp dạy học tích cực cũng được giới thiệu nhiều lần trong băng hình "mẫu". Một trong những trò chơi thường xuyên được tổ chức là trò chơi chơi theo hình thức tiếp sức. Trong băng hình, học sinh chơi rất thạo và chủ động, học sinh dưới lớp cổ vũ rất nhiệt tình với những câu hô "Đội xanh cố lên ! Đội đỏ cố lên!" thật sôi động. Vậy là tôi cũng thường xuyên tổ chức cho học sinh chơi như vậy. Học sinh của tôi khác với học sinh trong băng hình vậy nên chẳng hiểu sao do nhàm chán hay mỏi mồm hoặc các em không thấy trò chơi hấp dẫn mà các em chẳng chịu hô cổ vũ vì vậy thi thoảng tôi lại phải nhắc nhẹ "Các em cổ vũ đi ! Đội xanh cố lên ! ..." như vậy các em mới chịu cổ vũ. Rồi lớp bên cạnh cũng "Cố lên... ! Cố lên...!" vậy là um cả trường. Ban đầu thấy vui vui vì như có một luồng khí mới của sự đổi mới tràn về sau rồi cũng thấy khó chịu vì sự ồn ào. Khó chịu cũng mặc kệ chứ đây là phương pháp dạy học mới mà ! Tôi đâu hiểu rằng trò chơi có nhiều dạng và chỉ có những trò chơi mang tính chất vận động mới có sự cổ vũ như vậy mà dù có cổ vũ thì cũng để tự học sinh khi nào các em thấy hấp dẫn gay cấn quá thì xuýt xoa cổ vũ đằng này ... những các trò chơi trong giờ học lại mang tính trí tuệ, học sinh chơi hay cả những em cổ vũ lẽ ra phải đăm chiêu suy nghĩ cùng tìm đáp án và chỉ ồ lên khi ngã ngũ kết quả chứ không phải lấy tiêu chí nhanh làm tiêu chí đánh giá làm các em chơi thì cuống cuồng viết nghệch ngoạc còn học sinh dưới lớp thì mỏi mồm cổ vũ, giáo viên và học sinh lớp bên canh thì ... điếc tai.

     Một phương pháp khác được cho là mới và thường xuyên áp dụng đó là phương pháp thảo luận nhóm. Tôi làm y như trong băng mẫu nhưng chẳng hiểu tại sao học sinh của tôi chỉ có một số em tích cực thảo luận số còn lại thì thản nhiên như không, coi đó không phải việc của mình. Đôi khi sợ giáo viên thì các em cũng giả vờ ngó vào nhóm nhưng thực tế chẳng biết tai các em đang để đi đâu. Biết thì biết vậy nhưng không tổ chức hoạt động nhóm thì không được vì như thế là chưa đổi mới phương pháp dạy học mà thường xuyên tổ chức cũng chẳng giúp học sinh tiến bộ được bao. Gần đây (năm 2010) tôi có đi tiếp thu chuyên đề về dạy kĩ năng sống cho học sinh. Tại đây giảng viên cho chúng tôi thảo luận nhóm bằng hình thức "khăn trải bàn". Nghĩa là chia tờ giấy đó làm các phần xung quanh còn ở giữa để một ô trống. Mỗi thành viên viết ý kiến của mình vào phần giấy xung quanh, phần ở giữa để ghi các kết quả chung của cả nhóm sau khi đã thống nhất để báo cao cô giáo. Tôi cũng đã áp dụng với học sinh của tôi và cũng đạt được chút kết quả song nhìn chung thấy khó với học sinh tiểu học quá nhất là các lớp 1-2-3 thì lại càng khó. Tôi đâu biết chỉ cần một thay đổi nhỏ trong việc tổ chức hoạt động nhóm cũng có thể giúp học sinh của tôi tích cực hơn. Đó là thay câu lệnh "Các em thảo luận nhóm ... sau đó cử đại diện báo cáo kết quả." bằng câu lệnh "Các em thảo luận nhóm ... sau đó thầy sẽ gọi bất cứ em nào trong nhóm lên trình bày kết quả." Nếu làm vậy đương nhiên học sinh trong nhóm sẽ tích cực hơn, em biết bảo em chưa biết, em chưa biết thì chú ý lắng nghe vì sợ thầy gọi mình... mà mục tiêu của hoạt động nhóm là học sinh biết phối hợp chỉ đạo nhau trong hoạt động lại đạt được với kết quả cao hơn. Và còn ... nữa.

     Tôi đã dạy học như vậy. Dạy với phương pháp "con vẹt", chỉ biết bắt chước người ta làm mà chẳng hiểu rõ ưu, khuyết điểm của mỗi việc làm mình bắt chước để điều chỉnh. Chẳng phải mình tôi mà còn nhiều đồng nghiệp cũng vậy nên bây giờ tôi chẳng có chút hi vọng nào về việc Việt Nam có thể rút ngắn khoảng cách với người Nhật. Âu cũng là tại mình cả.

Nguồn: ViOLet Hà Nội

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

- Hãy dùng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Các bạn hãy Mã hóa Code trước khi chèn vào nhận xét
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>
- Hướng dẫn gõ công thức Toán trên blog bằng MathType
Thank you