27/9/13

Tệ nạn ở một số sinh viên như luồng gió đen len lỏi khắp các trường đại học. Những cuộc chơi, và kiểu chơi của những sinh viên sống buông thả chính là chuỗi sa ngã dẫn đến phạm pháp.

>>  Con đường phạm tội của những sinh viên ham chơi
>>  Trẻ vị thành niên phạm tội do ảnh hưởng của gia đình
>>  “Giáo dục gia đình không còn tiêu chí đạo đức rõ ràng nữa?!”

Theo thống kê của cơ quan công an, mỗi năm ở các trường đại học ít nhất có hàng chục vụ sinh viên phạm pháp hình sự. Tại sao con số sinh viên phạm tội gia tăng?

Phải chăng lâu nay nhà trường chỉ chú trọng đến kiến thức cho nên việc giáo dục nhân cách sinh viên (SV) đang bị “mờ nhạt”? Hay việc quản lý thiếu chặt chẽ, xa rời gia đình, do nhận thức của từng cá nhân SV. Họ phạm tội do đua đòi, phạm tội do ấu trĩ hay phạm tội từ việc thích chơi ngông?!

Tự đánh mất tương lai

24h đêm 24/4/2008, “nhập” với nhóm SV “nghiền” bi a, bi lắc do Nguyễn Trường Giang, SV ĐH KTQD Hà Nội giới thiệu, chúng tôi đến quán bi a trên phố Nguyễn Khuyến. Lúc này, trong quán chỉ còn duy nhất bàn trống do Giang là khách “ruột” đặt trước, 9 bàn kia đông kín người chơi.

Người chơi ở đây, chủ yếu là những SV sẵn tiền bởi “mỗi ván ít nhất phải có 5 chục nghìn đồng” - anh Đặng Tuấn Hùng, SV cùng nhóm Giang cho biết. Không quản ngại xa hay gần miễn điểm nào không bị công an “lùa” trong đêm thì sẽ là điểm đến của đông đảo SV.

Ở điểm chơi bi a trên phố Nguyễn Khuyến, nhóm của Hùng và các nhóm khác đều quen biết nhau... tuy nhiên trong cuộc chơi, nhất là động đến tiền bạc khó tránh xích mích, nhẹ thì văng tục, chửi bậy, nặng thì tiện tay cầm “cơ” bi a nện thẳng vào đầu nhau. Chuyện đánh lộn ở những điểm chơi như vậy là bình thường.

Cái thú nhậu đêm của SV lâu nay đã trở thành vấn đề bức xúc. Có nhiều SV sau vài năm học đã là “đệ tử lưu linh”. Tiền đóng học phí rót hết vào… rượu. Có tiền là rủ bạn bè đi uống rượu, hết tiền gọi bàn bè đi uống rượu… cắm.

Nguyễn Quang Hạnh, quê ở Thái Nguyên đã học đến 7 năm trong trường mà chưa tốt nghiệp vì vi phạm về đạo đức và học tập. Vừa qua, Ban Giám hiệu nhà trường đã đình chỉ học vĩnh viễn SV này vì… say xỉn.

SV Đỗ Trường Sơn học trường ĐH KTQD tỉnh bơ nói: “Chơi gấp không hết mất đời SV ông anh ạ”. Sơn cho biết, nhóm của Sơn có Nguyễn Quang Khương đang học năm cuối ở ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn vừa rồi đã phải bỏ học để chạy trốn sự truy tìm của chủ lô đề. Khương nợ đến 70 triệu đồng.

Con ngõ Tự Do thuộc phường Đồng Tâm (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) nằm ngay cạnh trường ĐH KTQD được giới SV gọi là “nơi giết thời gian” của những SV ham chơi. Nơi đây, mỗi cửa hàng có đến hàng trăm máy điện tử phục vụ khách. Qua tìm hiểu được biết, những quán bi a, điện tử này không bao giờ vắng khách kể cả ngày lẫn đêm.

Với nhiều SV ngoại tỉnh, thường thì, năm đầu nhập học ít biết đến tệ nạn như đánh bạc, rượu chè, độ bóng… nhưng sang những năm sau thì tất cả những tệ nạn đó dường như họ thuộc làu. Lô đề, nghiện ngập, rượu chè... đã chui vào tận ngõ ngách nơi có SV thuê trọ.

Con phố Lương Thế Vinh (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) dài chưa đầy 200 mét nhưng có tới 60 hiệu cầm đồ. “Khách thân” của những hiệu này chủ yếu là SV chơi bời, cờ bạc. Nhiều hàng cầm đồ câu… SV bằng cách ghi “cầm thẻ SV”, và chủ hiệu cầm đồ cho rằng đó là cách “cứu thế” SV nợ nần. Một lãnh đạo Bộ GD-ĐT nói, nếu có cuộc điều tra cụ thể thì tình trạng còn khủng khiếp hơn nhiều.

Sự thật phũ phàng

Trần Văn T (tức T… thuốc lào) đang được người mẹ chăm sóc tại một bệnh viên trên địa bàn Hà Nội. T là SV khóa 51, một trường đại học trên đường Nguyễn Trãi (Q. Thanh Xuân, HàNội). Cái tin Trần Văn T đỗ đại học cách đây 2 năm khiến cả dòng họ không khỏi phấn khởi, mừng rỡ.

Gia đình T vì muốn tạo điều kiện để con mình được học hành đã mua một căn nhà ở phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân cho T ở. T sẽ phải chấm dứt sự học hành sau 2 năm dang dở vì “dính” AIDS. Cách đây gần một tháng, T bị sốc do chích “quá liều” tại gầm cầu thang khu chung cư gần đường Nguyễn Quý Đức (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) và được đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện.

Thật bàng hoàng, người mẹ như chết đứng khi biết T “dính” AIDS. Không thể thế được, có lẽ nhầm rồi, “cậu ấm” nhà tôi ngoan ngoãn lắm, nó học đại học chứ có phải lêu lổng đâu. Không thể tin nổi sự thật phũ phàng bà mẹ thảng thốt rồi ngất lịm bên hành lang bệnh viên.

Theo An Ninh Thủ Đô

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

- Hãy dùng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Các bạn hãy Mã hóa Code trước khi chèn vào nhận xét
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>
- Hướng dẫn gõ công thức Toán trên blog bằng MathType
Thank you