1. Vai trò của người giáo viên trong quản lý chất lượng dạy học
1.1. Một quan niệm đã trở thành truyền thống về vai trò của người giáo viên trong nhà trường: giáo viên (GV) chỉ là người có vai trò thực hiện các công việc giảng dạy, giáo dục học sinh, thực hiện các nhiệm vụ do các cấp quản lý (QL) trao phó. Họ luôn được coi là đối tượng QL (mà thực chất là đối tượng bị QL).
Quan niệm này vừa ảnh hưởng tới quá trình đào tạo đội ngũ GV, lại vừa ảnh hưỏng tới thực tiễn công tác của họ khi về làm việc trong mỗi nhà trường. Từ khi còn học trong trường sư phạm, người GV tương lai không có hoặc ít có cơ hội tiếp cận những kiến thức lý luận về khoa học QL. Sau khi tốt nghiệp sư phạm về trường phổ thông, người GV mặc nhiên được coi là “đối tượng quản lý”, mặc nhiên “bị” quản lý, theo dõi, kiểm tra, nhắc nhở, và tất nhiên họ coi mình chỉ có phận sự của người thừa hành và thực hiện, cố gắng và nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao. Ngày tháng qua, cọ sát với thực tiễn, họ càng ngày càng nhận ra rằng, vốn liếng lý luận dạy học, giáo dục nói chung và những tri thức giáo học pháp bộ môn rất thiết thực mà họ được học từ nhà trường sư phạm đã trở nên thiếu hụt và bất cập trước thực tế sinh động của đời sống nhà trường.
Điều được tiếp thu bài bản và hệ thống đã thế, huống chi những kiến thức và kỹ năng QL vốn là những điều họ chưa từng được học hoặc chỉ làm quen một cách hết sức sơ lược. Bởi vậy, sẽ trở thành khó khăn cho họ khi hàng ngày, họ phải đối mặt và làm những công việc với tư cách của nhà quản lý đích thực, có nghĩa, họ phải trực tiếp quản lý, điều hành những công việc khá phức tạp như: QL một lớp chủ nhiệm, QL tất cả những công việc liên quan tới hoạt động dạy học, đặc biệt là hoạt động dạy học trên lớp, rồi QL một buổi lao động hoặc một hoạt động tập thể của học sinh. Lâu dần, có kinh nghiệm hơn, họ lại được giao tổ chức và QL một đoàn thể, hoặc tổ chức một hoạt động có quy mô lớn hơn ở trong và ngoài nhà trường…
Như vậy, có thể thấy rằng quan niệm mang tính truyền thống về vai trò của người GV, coi GV chỉ là GV, chỉ là đối tượng thụ động của sự QL, lãnh đạo, đã bộc lộ những bất cập. Bất cập này tạo ra những bất cập khác ảnh hưởng chẳng những tới quá trình đào tạo GV mà còn tới quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo chức cũng như quá trình bồi dưỡng GV .
1.2. Dạy học là chức trách quan trọng nhất của người GV, trong đó, lên lớp là hình thức dạy học cơ bản nhất, là đặc trưng nghề nghiệp của họ. Dạy học trên lớp thực sự là một quá trình. Nhìn một cách biện chứng, quá trình này, một mặt, xét dưới dạng tĩnh, được tạo nên bởi các thành tố cấu trúc như mục đích, nội dung, phương pháp, phương tiện dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả dạy học…và bao trùm là yếu tố tổ chức quản lý chất lượng cả quá trình…; các thành tố đó kết hợp chặt chẽ và quan hệ hữu cơ với nhau, thẩm thấu nhau trong mọi hoạt động của người dạy và người học; mặt khác, nhìn theo chiều vận động tuyến tính, quá trình đó đượcphân giải thành các khâu, các”công đoạn” theo thời gian như soạn bài – lên lớp – chấm bài, đánh giá kết quả học tập của học sinh – rút kinh nghiệm, cải tiến phương pháp dạy học… Người GV khi tiến hành mỗi quá trình cần và phải biết quản lý và tổ chức quá trình đó theo một lịch trình nghiêm túc, hợp lý và hiệu quả.
Những kết quả nghiên cứu lý luận dạy học cũng như thực tế đổi mới hoạt động dạy học ngày nay trong các nhà trường phổ thông đã khẳng định rằng: những năng lực tổ chức, điều hành, quản lý, hướng dẫn là những yêu cầu và năng lực được đòi hỏi ngày càng cao ở người giáo viên. Một giờ dạy thành công là giờ dạy mà người giáo viên phải thể hiện được các năng lực đó. Ngay cả quan niệm về một giáo viên giỏi, một giáo viên hiện đại giờ đây cũng khác trước. Sẽ không phải là người GV chỉ có tri thức uyên thâm sâu rộng với các kỹ năng truyền giảng trôi chảy, hấp dẫn để lên lớp thuyết trình, độc diễn, làm thay học trò. Thay thế hình mẫu GV truyền thống là một mẫu hình GV hiện đại. Bên cạnh tri thức sâu rộng, người GV ngày nay, khi chuẩn bị cho giờ lên lớp ở khâu soạn bài, nhất thiết phải giỏi thiết kế, lựa chọn, tổ chức sắp xếp nội dung kiến thức và hệ thống phương pháp dạy học sao cho vừa tuân thủ tính chặt chẽ và logic của tri thức khoa học, vừa đạt những yêu cầu sư phạm phù hợp với các quy luật dạy học và quy luật nhận thức của học sinh; khi dạy học trên lớp lại phải giỏi tổ chức, thiết kế các tình huống hoạt động giữa thày và trò, giỏi tổ chức, điều hành, hướng dẫn, khích lệ, động viên các hoạt động của học sinh một cách sinh động sao cho người học được làm việc tích cực, được nghĩ, được nói, được thể hiện khả năng và bản sắc riêng của mình, được tạo nhiều cơ hội nhằm phát triển việc học của họ. Tiến trình đổi mới phương pháp dạy học ngày nay đòi hỏi người GV còn phải giỏi kết hợp sử dụng các phương tiện, thiết bị, học liệu giáo dục hỗ trợ cho phương pháp dạy học của mình, giỏi tổ chức các hình thức, biện pháp kiểm tra nhằm nắm vững kết quả học tập, tu dưỡng, từ đó, đánh giá đúng chất lượng (CL) học tập của học sinh mình dạy, không những thế còn phải giỏi phát hiện những điểm mạnh, yếu trong cả việc dạy của mình cũng như việc học của trò để đề xuất những cải tiến và chương trình rèn luyện nhằm phát triển không ngừng phẩm chất cũng như năng lực sư phạm.
Như vậy, chỉ xét riêng một công việc mang bản sắc sư phạm đặc trưng của người GV là dạy học, đã thấy đậm “chất quản lý“. Có thể khẳng định rằng: chỉ khi nào người GV thực sự có tri thức và kỹ năng (thứ tri thức và kỹ năng dựa trên cơ sở được đào tạo một cách hệ thống) đểthực hiện vai trò chủ thể quản lý một cách hiệu quả thì khi đó, mới đảm bảo chất lượng công việc của mình. Từ đó, họ mới thực sự trở thành “lực lượng quyết định chất lượng giáo dục” của nhóm, tổ bộ môn, của từng cơ sở trường học, và rộng hơn, của cả nền giáo dục.
1.3. Hiện nay, tiếp theo Tiểu học và THCS, việc tiếp tục đổi mới chương trình giáo dục THPT đã bắt đầu thực hiện đại trà. Về bản chất, đây là sự đổi mới tổng thể cả quá trình giáo dục (đương nhiên đó phải là sự đổi mới đồng bộ mọi yếu tố cấu thành quá trình ấy) chứ không phải chỉ đổi mới khâu nội dung giáo dục, thể hiện bằng việc thay mới sách giáo khoa. Tuy nhiên, một thực tế không thể không khẳng định là yếu tố quản lý chất lượng thực hiện quá trình giáo dục mới (trong đó quá trình dạy học luôn là trung tâm) của cả chủ thể QL nhà trường cũng như chủ thể QL trực tiếp quá trình này là người GV chưa đựợc quan tâm đồng bộ, chưa có hướng đổi mới rõ ràng và hiệu quả. Do đó, chất lượng và hiệu quả thực hiện chương trình mới tất yếu bị ảnh hưởng.
Phân tích như thế để thấy rằng: muốn làm tốt công việc chuyên môn của mình, muốn thực hiện hiệu quả việc đổi mới chương trình THPT, người GV rất cần phải có kiến thức và các kỹ năng quản lý chất lượng dạy học.
2. Nội dung và phương pháp QLCL quá trình dạy học trên lớp của người GV:
Kết quả nghiên cứu bước đầu của chúng tôi về nhữngphương thức QLCL hiện đại như ISO 9000 và Quản lý Chất lượng Tổng thể (Total Quality Management – TQM) và thử nghiệm ứng dụng vào đổi mới quản lý chất lượng quá trình dạy học tại 8 trường phổ thông bậc trung học ở Thái Bình, Hà Nội trong mấy năm qua, cho thấy: đó là những mô hình, phương pháp quản lý tiên tiến có thể học tập và vận dụng để giúp người GV quản lý tốt hơn chất lượng công việc dạy học của mình. Theo đó, người GV cần có kiến thức và kỹ năng thực hiện có hiệu quá 4 chức năng của QLCL: 1) P (plan): chức năng hoạch định và thiết kế quá trình dạy học, 2) D (do) chức năng tổ chức, điều hành, động viên, lôi cuốn HS thực hiện quá trình dạy học theo thiết kế; 3) C (check): chức năng kiểm tra, kiểm soát, đánh giá chất lượng dạy và học và 4) A (action) chức năng tiến hành những tác động cải tiến và phát triển thường xuyên chất lượng các hoạt động sư phạm.
Lấy hoạt động dạy học trên lớp, một hình thức dạy học rất cơ bản và có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng của cả quá trình dạy học làm ví dụ. Xét từ góc độ thực tiễn, có thể thấy rằng, công việc dạy học của người GV thực chất luôn rải ra thành một quá trình theo trục thời gian tuyến tính: soạn, giảng, chấm chữa bài và đánh giá học sinh. Quá trình này có thể phân giải thành các công đoạn bộ phận: các yếu tố đầu vào, các hoạt động nối nhau liên tiếp ở trong công đoạn quá trình và có các yếu tố đầu ra của chính quá trình đó. Tiếp cận các chức năng và phương pháp quản lý chất lượng theo ISO 9000 và TQM và vận dụng phân tích quá trình dạy học nói trên, ta thấy:
- Khâu soạn bài thực chất là sự hoạch định các yếu tố đầu vào (plan input) của quá trình dạy học trên lớp.
- Khâu lên lớp bao gồm các hoạt động nối nhau liên tiếp của thày và trò theo bản thiết kế đã hoạch định từ công đoạn trước tương ứng với công đoạn thực hiện quá trình (Do process).
- Khâu cuối cùng là kiểm soát các yếu tố đầu ra của quá trình dạy học, bao gồm: kiểm tra(Check), đánh giá (evaluate) chất lượng học tập của học sinh, rút kinh nghiệm, cải tiến (improve/make better) cho quá trình sau đó thực hiện được tốt hơn.
Ba khâu của quá trình ấy có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các hoạt động và các nguồn lực (học liệu, thiết bị dạy học, môi trường dạy học…). Để quản lý được quá trình ấy, để thực sự làm chủ nó, đòi hỏi người GV phải có khả năng kiểm soát được nó ngay từ bước chuẩn bị đầu tiên tới bước cuối cùng.
Nếu tập trung vào quá trình dạy học trên lớp, người GV có thể QLCL quá trình dạy học do mình chủ đạo theo các nội dung và các bước tiến hành như sau:
2.1. Hoạch định chất lượng cho giờ lên lớp trong khâu soạn bài.
Về bản chất, đây là khâu thiết kế đầu vào cho quá trình dạy học, với yêu cầu đảm bảo 4 nội dung sau:
i) Xác định một cách cụ thể những mục tiêu cần đạt đến sau giờ học. Mục tiêu dạy học thực chất là dự kiến về kết quả cuối cùng cần đạt được, là hưưóng đích cho quá trình thực hiện. Có mục tiêu tổng quát của cả bài, bao gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ; mục tiêu này đã được pháp lý hoá, mực thước hoá một cách khái quát nhất trong tài liệu giáo khoa. Lại có thể chia nhỏ mục tiêu tổng quát đó thành những mục tiêu bộ phận để dễ thực hiện. Những mục tiêu này thường tương ứng với các phần đơn vị nội dung dạy học trong bài, rất quan trong trong chỉ đạo hoạt động tác nghiệp của người GV. Tuy nhiên, trong thực tế, GV ít quan tâm đến loại mục tiêu này, có thể do GV thấy SGK, SGV không đề cập.
ii) Xác định những mức CL cho quá trình thực hiện. Có thể coi mức CL là những yêu cầu, những mong muốn đạt được phù hợp với trình độ và điều kiện của GV, của lớp học, của nhà trường đối với các yếu tố tham gia vào quá trình như nội dung kiến thức, phương pháp tổ chức, việc hướng dẫn của người dạy về cách thức hoạt động để chiếm lính tri thức cho người học… Chẳng hạn: người GV đặt ra yêu cầu cho người học cần đạt tới mức chất lượng nào về nội dung kiến thức, về kỹ năng, thái độ; người dạy cần đạt những yêu cầu chất lượng nào về việc chọn lựa, sắp xếp và trình bày nội dung, về phương pháp hướng dẫn, tổ chức và điều kiển học sinh tiến hành các hoạt động nhận thức, về việc sử dụng, khai thác thiết bị và học liệu hỗ trợ dạy học …
iii) Dự kiến một cách rõ ràng quy trình tiến hành các hoạt động dạy học. Nội dung này đòi hỏi GV trả lời một cách rõ ràng các hoạt động dạy học trong tiến trình sẽ diễn biến như thế nào? được tổ chức theo trình tự nào, theo một quy trình tổng thể nào thì tối ưu; trong quy trình lớn ấy bao gồm bao nhiêu hoạt động là đủ, hoạt động nào là trọng yếu. Để thực hiện những hoạt động ấy, người dạy, người học cần tuân thủ tuần tự những bước đi nào, GV cần làm cho học sinh nắm được phương pháp, cách thức tiến hành công việc có chất lượng trong mỗi giờ ra sao…
iv) Tính đếm những điều kiện hỗ trợ cho các khâu trong quá trình theo một kế hoạch chặt chẽ và cách thức kiểm soátmột cách khoa học kết quả học tập của học sinh cũng như chất lượng giờ học. Chẳng hạn, ngoài hình thức dùng một bài kiểm tra ngắn (trắc nghiệm hay tự luận) còn có thể có cách nào hiệu quả để đo đếm được diễn biến chất lượng giờ học, chất lượng nắm kiến thức và việc hình thành kỹ năng ở học sinh? Có thể hỏi ý kiến học sinh (trong tư cách là khách hàng) về việc hiểu hay chưa hiểu một đơn vị kiến thức trọng tâm; đã làm được, có hứng thú khi làm hay là chưa làm được, chưa nắm được cách thức tiến hành một hoạt động thực hành để rèn kỹ năng…
Tất cả những nội dung trên phải được tường minh hóa, cụ thể hoá trong Bản thiết kế dạy học(thông thường gọi là bài soạn). Cách trình bày có thể dưới hình thức ngôn ngữ tuyến tính như cách soạn bài truyền thống, hoặc bằng các sơ đồ, lược đồ cho dễ nhìn, dễ hiểu, dễ theo dõi kiểm soát. Thiết kế này, sau khi được tổ, nhóm chuyên môn thẩm định và bổ sung, có thể thống nhất và được coi là một phương án tiến hành hợp lý mà chẳng những người thiết kế trực tiếp có thể đem ra thực hiện, mà GV khác cùng nhóm chuyên môn cũng có thể theo đó mà tiến hành một cách linh hoạt cho phù hợp với khả năng cá nhân và trình độ thực tiễn của lớp học. Về bản chất, đây là xác lập một loại chuẩn mực trong phạm vi nhà trường
Làm được như vậy là thực hiện bước thiết kế đầu vào cho chất lượng giờ học mà ISO 9000 đã đúc kết thành một quy tắc QL: “Hoạch định và viết ra những gì sẽ làm”. Như vậy cũng có nghĩa là khâu thiết kế đầu vào đã được kiểm soát theo đúng nguyên lý của khoa học quản lý chất lượng: kiểm soát từng khâu của quá trình.
2.2. Tổ chức và quản lý việc thực hiện chất lượng trong khâu dạy học trên lớp.
Theo ISO 9000, đây là khâu quản lý diễn biến của quá trình, cần tuân thủ nguyên tắc: “Làm đúng những gì đã hoạch định”. Điều đó có nghĩa là, trong diễn tiến của quá trình dạy học trên lớp, GV cần tuân thủ một cách linh hoạt quy trình và kế hoạch dạy học đã được dự tính, hoạch định trong thiết kế (bài soạn). Vận dụng tinh thần các nguyên tắc quản lý chất lượng, nhất lànguyên tắc quản lý theo quá trình, GV cần đảm bảo 3 vấn đề cốt yếu của việc quản lý chất lượng quá trình dạy học trên lớp.
i) GV thực hiện những quy trình dạy học tối ưu đã được hoạch định trong khâu thiết kế. Sự thực hiện này một mặt vừa mang tính tuân thủ, đảm bảo cho tiến trình tổ chức quá trình dạy học trên lớp trở nên có tính toán, chủ động, có định hướng rõ ràng, có sự kiểm soát để các hoạt động dạy và hoạt động học được “làm đúng ngay từ đầu” để có CL, tránh được sự tùy tiện, thụ động, thiếu kế hoạch; mặt khác, cần đảm bảo tính nghệ thuật của dạy học: linh hoạt và sáng tạo cho phù hợp với các tình huống dạy học diễn ra một cách thực tế và sinh động. Tuy nhiên, tính khoa học của quá trình dạy học vẫn là yếu tố cần được coi trọng hàng đầu trong hoạt động của người GV.
ii) GV thường xuyên hướng dẫn học sinh cách thức, phương pháp tiến hành các hoạt động học tập sao cho đạt hiệu quả cao, thông qua việc sử dụng các Phiếu hướng dẫn học tập nhằm làm cho mọi học sinh đều hiểu được cách thức thực hiện ccông việc học tập, từ đó có kỹ năng học tập đạt chất lượng cao. Điều này một mặt đảm bảo cho người GV thực hiện tốt vai trò hướng dẫn và cố vấn của mình, mặt khác nhằm trả lại đúng ý nghĩa của việc dạy học, bởi lẽ về bản chất, dạy học là dạy người khác, hướng dẫn người khác học cái gì và học như thế nào cho có hiệu quả.
iii) GV tổ chức có chất lượng các hoạt động học tập của HS và có cách thức, biện pháp theo dõi chất lượng tham gia các hoạt động học tập của tất cả HS trong quá trình học tập. Điều này đòi hỏi người GV không phải chỉ bằng lòng với một vài học sinh thường xuyên tích cực trả lời các câu hỏi của GV trong giờ mà thông qua việc tổ chức thực hiện các Phiếu học tập, Phiếu giao việc, làm cho tất cả học sinh ở các loại trình độ khác nhau đều phải thực hiện các nhiệm vụ học tập bằng nhiều hình thức: nghĩ, nói, viết… dưới sự điều khiển của người thày; cũng thông qua hệ thống các phiếu giao việc đó mà GV kiểm sóat được mức độ và chất lượng làm việc của học sinh.
iv) GV sử dụng có hiệu quả các biện pháp tâm lý – giao tiếp trong quá trình học tập nhằm động viên tinh thần, tư tưởng, cổ vũ, lôi cuốn HS tham gia vào giờ học trong bầu không khí sư phạm dân chủ, cởi mở; khích lệ sự đối thoại cũng như tinh thần cầu thị, học hỏi thày và bạn trong HS, coi trọng việc tổ chức các hình thức dạy học hợp tác, trong đó hoạt động nhóm được coi là môi trường dạy học có tính đa mục đích: vừa dạy kiến thức (học để biết), rèn các kỹ năng sống cốt lõi như kỹ năng cùng tham gia, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng diễn đạt, thể hiện ý kiến, kỹ năng quản lý một tập thể nhóm người (học để làm)…,vừa hình thành trong HS những thái độ hợp tác tích cực với người khác, điều cần thiết cho sự hòa nhập vào cuộc sống công đồng sau này (học để cùng chung sống)
2.3.Một nguyên tắc quản lý chất lượng là kiểm tra ngay những việc đã làm xem có đúng với những gì đã hoạch định hay không. Điều đó có nghĩa, trong quá trình dạy học trên lớp, GV phải tổ chức và quản lý tốt việc kiểm tra, kiểm soát để kịp thời nắm được chất lượng học tập của học sinh trên lớp và chất lượng thực hiện những dự tính dạy học trong thiết kế bài học. Bằng nhiều biện pháp, cách thức như quan sát trong giờ học, yêu cầu HS trả lời câu hỏi hoặc thực hiện các phiếu học tập, yêu cầu HS tái hiện, tổng hợp kiến thức, yêu cầu HS thực hành vận dụng…; qua đó, GV kịp thời nắm được chất lượng tham gia, chất lượng nắm nội dung bài học của HS một cách hiệu quả. Căn cứ để kiểm tra, kiểm sóat là các đơn vị mục tiêu về kiến thức, kỹ năng ứng với mỗi bộ phận của nội dung dạy học. Việc kiểm soát chất lượng học tập cần tận dụng và phân tich nhiều nguồn thông tin: qua kết quả làm bài kiểm tra, qua ý kiến nhận xét đánh giá của người dự giờ, giám định giờ học, qua ý kiến của người học và qua ý kiến tự phản ánh của người dạy. Đặc biệt, sự quan tâm tới ý kiến HS (khách hàng số một) về chất lượng giờ học là điều còn thiếu trong cách xem xét, đánh giá chất lượng dạy học lâu nay ở nhà trường của chúng ta.
2.4. Sử dụng các công cụ QLCL để cải tiến thường xuyên chất lượng dạy học.
QLCL hiện đại luôn coi trọng một nguyên tắc: mọi quyết định trong quá trình QL chất lượng luôn phải dựa trên các sự kiện thực tế đã được đo lường, kiểm soát một cách khoa học. Các công cụ QLCL hỗ trợ cho người GV trong việc đo đếm, nắm bắt diễn biến của CL dạy học, giáo dục của một giờ học, một giai đoạn học tập, một bộ môn, một lớp … Kiến thức và các kỹ năng sử dụng công cụ QLCL giúp cho việc kiểm soát quá trình được hiệu quả và thực tiễn, với những dữ kiện cụ thể, tường minh. Nó giúp cho người GV chẳng những nắm được một cách xác thực diễn biến của CL dạy học và giáo dục HS mà còn phân tích, đánh giá chất lượng các hoạt động dạy học bản thân đã tiến hành; chẳng những thấy được những khiếm khuyết và nguyên nhân mà còn tìm ra những biện pháp cải tiến, khắc phục và phòng ngừa những khiếm khuyết đó.
Hoạt động cải tiến chất lượng dạy học nhằm tạo ra những động lực thức đẩy chất lượng ngày một tốt hơn. Hoạt động này cần được duy trì đều đặn, thường xuyên hàng ngày, sau mỗi giờ học, bài học, trên cơ sở gắn liền sự nỗ lực của cá nhân với sự tham gia của nhóm chuyên môn. Nó rất phù hợp với các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học vốn là con đường nâng cao tay nghề sư phạm cho người GV và qua đó nâng cao chất lượng học tập cho người học trong mỗi nhà trường.
3. Một số kết luận:
R.Roysingh – một chuyên gia giáo dục của UNESCO từng khảng định: Chất lượng của một nền giáo dục không vượt quá tầm chất lượng những giáo viên làm việc cho nó. Thực vậy, chất lượng của một nền giáo dục tuỳ thuộc vào chất lượng dạy học, giáo dục của mỗi nhà trường. Nhưng CL của một nhà trường chỉ thực sự được đảm bảo khi đội ngũ GV thoát khỏi vai trò thụ động của người “bị quản lý” theo quan niệm thông thường để thực sự đóng vai trò chủ thể quản lý chất lượng trong mọi công việc, mọi hoạt động, mọi lĩnh vực trong nhà trường một cách chủ động và sáng tạo.
Muốn làm chủ phải có tri thức làm chủ. Tri thức về QLCL sẽ giúp mỗi người GV thực hiện một cách đúng nghĩa và đầy đủ vai trò làm chủ của mình. Những kiến thức và kỹ năng quản lý chất lượng các hoạt động dạy học đem đến cho người giáo viên những nhận thức mới, cách thức mới để hiểu và tự quản lý được công việc dạy học và giáo dục của chính mình cùng với bao công việc khác, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hoạt động chuyên môn, yếu tố nền tảng của ngôi nhà chất lượng giáo dục. Mặt khác nữa, biết quản lý công việc, GV lại càng có thêm điều kiện để tham gia QLCL các hoạt động khác, khiến cho guồng máy nhà trường hoạt động có hiệu quả.
Bởi vậy, đã đến lúc cần quan niệm những kiến thức và kỹ năng QLCL là một nội dung phải được coi trọng trong quá trình đổi mới chương trình đào tạo sư phạm và chương trình bồi dưỡng giáo viên phổ thông THPT sắp tới ./.
Tài liệu tham khảo
- 1. Rayja Roysingh. Nền giáo dục thế kỷ hai mươi mốt – những vấn đề của châu á – Thái Bình Dương. (Đỗ Thị Bình dịch). Viện Khoa học giáo dục. H-1994
- 2. Nguyễn Trung Tín. Phạm Phương Hoa (biên dịch). Quản lý có hiệu quả theo phương pháp của Deming. NXB Thống kê. H-1996.
- 3. Nguyễn Quang Toản. ISO 9000 và TQM – Thiết lập hệ thống quản lý tập trung vào chất lượng và hướng vào khách hàng. NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh- 2001.
- 4. Phạm Quang Huân. Triết lý mới trong quản lý chất lượng giáo dục. T/c Thông tin Khoa học giáo dục. Viện CL và CT giáo dục, số 112/ 2004.
- 5. Phạm Quang Huân. Tiếp cận ISO 9000 trong đổi mới quản lý giáo dục phổ thông ở nước ta. T/c Giáo dục, số 96/2004.
- 6. Phạm Quang Huân. Vai trò chủ thể quản lý chất lượng giáo dục của giáo viên trong nhà trường. T/c Giáo dục. Số 140/2005
Phạm Quang Huân, Viện Nghiên cứu Sư phạm, ĐHSP Hà Nội
(Đã đăng trên Tạp chí Khoa học Giáo dục – Viện CL-CTGD, Số 6/2006)
Nguồn: ioer.edu.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
- Hãy dùng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Các bạn hãy Mã hóa Code trước khi chèn vào nhận xét
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>
- Hướng dẫn gõ công thức Toán trên blog bằng MathType
Thank you