16/6/11

Được dạy cách “giữ mình”, nhiều bạn gái đi học nhưng không dám ngồi cạnh bạn trai, có bạn phản ứng ngay khi thầy giáo có “hành động thân mật”. Thậm chí có em còn khiếp cả… bố.

Khiếp bố, sợ thầy, ghét… bạn trai

Hơn nửa tháng đi công tác, về đến nhà, anh Phúc (ngụ ở Q.8, TPHCM) không thấy cô con gái 11 tuổi chạy bá cổ bố đòi quà như mọi lần. Nghĩ con đang giận chuyện gì đó, anh đến ngay bên bàn học đưa tay xoa đầu và thơm con gái cưng cho thỏa nỗi nhớ những ngày xa con. Nhưng anh vừa mới đặt tay lên vai, cô bé lập tức bật người dậy, quay lại và đưa tay lên cào ngay lên mặt bố, hét lớn: “Bố không được chạm đến người con” rồi bỏ chạy.

Được răn "giữ mình", nhiều nữ sinh chỉ chơi với bạn cùng giới. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Anh Phúc ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì. Tiếp tục để ý theo dõi, anh thấy cháu tuy vẫn trò chuyện với bố nhưng lại giữ khoảng cách và luôn sẵn sàng “bật lại” khi bố đến gần. Lo lắng có chuyện không hay với con, anh đem thắc mắc đó hỏi vợ thì mới té ngửa được biết nguyên nhân từ chị mà ra.

Thấy con gái bắt đầu phổng phao, xinh xắn nên chị Hà, vợ anh Phúc thấp thỏm lo con bị lạm dụng. Để con biết cách tự bảo vệ mình, chị nghiêm khắc “dạy” cháu: “Không được để con trai, bất kể là ai chạm vào người. Ai chạm đến, đưa tay cào vào mặt ngay nha con”.

Cô con gái nghe lời mẹ thực hiện ngay, phản ứng ngay cả với cả bố. Lúc này, họ còn nhận được thông báo của cô giáo chủ nhiệm bé Bi mời lên làm việc vì cháu liên tục cào mặt mấy bạn trai cùng lớp. Chị Hà vô cùng khó xử vì lỡ khuyên cháu “quá đà”, giờ chẳng biết nói lại sao với con thế nào cho đúng.

Đang là một cô gái hồn nhiên, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường lớp, tự nhiên hơn một năm nay Thu, một nữ sinh học lớp 11 tại TPHCM thu mình lại và chỉ chơi với bạn nữ. Lớp ngồi xen kẽ một nam, một nữ nhưng Thu lên gặp giáo viên nước mắt ngắn dài xin cô cho mình ngồi gần bạn nữ. Giáo viên nghĩ Thu có hiềm khích gì với cậu bạn ngồi cạnh nên đồng ý cho Thu chuyển chỗ.

Những biểu hiện “né” con trai của Thu ngày càng quá mức. Với thầy giáo, Thu cũng tìm mọi cách để tránh xa chứ không còn thoải mái hỏi bài, trò chuyện với thầy như bạn bè khác.

Hóa ra, từ nhỏ bà nội và mẹ Thu đã liên tục “đầu độc” con gái về… đàn ông xấu xa, đểu cáng lắm với mục đích giúp con biết bảo vệ mình trước các cạm bẫy và yêu râu xanh. Đặc biệt khi Thu vào tuổi dậy thì, mức độ “răn dạy” cô con gái của bà và mẹ càng “tăng”. Bà nội dọa: “Con phải tránh xa đàn ông ra, chứ chạm đến là có bầu như chơi”.

Thế nên đang ở tuổi hồn nhiên nhất, Thu lại bị áp lực tâm lý vì lúc nào cũng trong tinh thần “chống lại” đàn ông. Thu ngại giao tiếp, sợ sệt, còn lực học cũng giảm đi thấy rõ.

Dạy con “giữ mình” đúng cách

Trước nguy cơ trẻ có thể bị xâm hại tình dục, không ít người lớn “hành trang” cho trẻ cách bảo vệ mình. Thế nhưng, dường như họ chỉ biết đến phản ứng tức thời trước mắt mà không lường được hậu quả để lại về lâu dài.

Thạc sĩ tâm lý Phạm Phương Thảo (ĐH Y dược TP.HCM) kể ở trường nọ có cô giáo rất quan tâm đến các em học sinh. Lo cho các bạn nữ, cô gọi từng nhóm và nói nhỏ: “Các em không được tiếp xúc, gần gũi với các thầy”. Hàng loạt các bạn nữ trở nên sợ các thầy một cách vô lý. Rồi trong gia đình, nhiều phụ huynh dặn con gái phải tránh xa đàn ông. Thế nên khi tiếp xúc với “con trai”, không kể là ai, hành vi như thế nào trẻ cũng sẵn sàng cấu xé, la ó.

Cần giúp con phân biệt được "đụng chạm" an toàn và "đụng chạm" mở mức nguy hiểm để bảo vệ mình đúng cách (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

“Về lâu dài những trẻ được răn dạy như vậy rất dễ mắc chứng sợ đàn ông, ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như khó khăn cho cuộc sống sau này”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Thạc sĩ Phạm Phương Thảo chia sẻ việc giúp con biết tự bảo vệ mình trước nhiều cạm bẫy và mối nguy bị lạm dụng tình dục như hiện nay là điều cần thiết. Để dạy trẻ đúng, trước hết người lớn cần trang bị các kiến thức cơ bản như phải hiểu thế nào là lạm dụng tình dục và giúp trẻ phân biệt được giữa lạm dụng tình dục và các cử chỉ quan tâm.

Bà Thảo phân tích, cần chỉ cho trẻ biết giới hạn của sự đụng chạm trên cơ thể. Những ai là người có thể chạm vào trẻ ở mức độ nào, vì mục đích gì và phân biệt được thế nào là đụng chạm an toàn, thế nào là nguy hiểm. “Vì thế cần giúp trẻ hiểu về các bộ phận trên cơ thể, những bộ phận nhạy cảm”, bà Thảo khuyên.

Bà Thảo khuyến cáo phụ huynh nên phải dặn dò con khi phát hiện những đụng chạm “vượt an toàn” thì phải lên tiếng từ chối, la lên và không nên sợ các lời đe dọa của đối phương. Hơn nữa, điều quan trọng nhất là giúp con bộc lộ được suy nghĩ của mình, có những việc không thể giữ bí mật… để có những phát hiện kịp thời nhất.

Hoài Nam - Dân trí

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

- Hãy dùng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Các bạn hãy Mã hóa Code trước khi chèn vào nhận xét
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>
- Hướng dẫn gõ công thức Toán trên blog bằng MathType
Thank you